Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Mang cơ hội đến cho người được trợ giúp pháp lý
– Bằng việc trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (HĐTT), các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), luật sư đã bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, góp phần mang hy vọng, trao cơ hội đến cho nhiều trường hợp để họ được sửa chữa lỗi lầm. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, Trung tâm TGPL tỉnh đã và đang đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng công tác này.
Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2020 ngày 24/12/2020, Toà án Nhân dân huyện Đình Lập tuyên phạt bị cáo H.V.K, sinh năm 1948, trú tại xã Lâm Ca, huyện Đình Lập 3 năm 6 tháng tù về tội “Huỷ hoại rừng”. Sau phiên toà sơ thẩm, TGVPL của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã hướng dẫn bị cáo và người nhà thực hiện việc thoả thuận bồi thường cho cơ quan Nhà nước. Đây là việc làm thể hiện sự thành khẩn khắc phục lỗi lầm của bị cáo và là tình tiết giảm nhẹ quan trọng để TGVPL làm căn cứ bào chữa cho bị cáo. Tháng 3/2021, phiên toà phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo H.V.K được tổ chức. Tại phiên toà, TGVPL đã trực tiếp bào chữa cho bị cáo. Kết thúc phiên toà phúc thẩm, Toà án Nhân dân huyện Đình Lập giảm án và tuyên bị cáo án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trợ giúp viên pháp lý trao đổi nội dung vụ việc với người được TGPL
Trường hợp trên, bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, là người cao tuổi sống một mình, thuộc diện hộ nghèo. Bị cáo thuộc đối tượng được TGPL miễn phí. Thông qua việc TGPL trong HĐTT được TGVPL thực hiện có hiệu quả, Hội đồng xét xử đã thay đổi bản án từ hình phạt tù 3 năm 6 tháng sang 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo có ý nghĩa vô cùng to lớn, đem đến cho bị cáo cơ hội được sửa chữa lỗi lầm và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bà Hoàng Thị Bích, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chiếm tỷ lệ cao trong ba hình thức TGPL (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài pháp luật), do đó, đơn vị đã thực hiện đăng ký nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là “Nâng cao số lượng TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng” với mục tiêu tăng 10% số vụ việc được TGPL bằng hình thức tố tụng so với năm 2020. Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các TGVPL dựa theo số năm được bổ nhiệm (từ 16 đến 27 vụ).
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tiến hành ký kết hợp đồng với trung tâm văn hoá, thể thao và truyền thông của 10 huyện; cung cấp cho UBND các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng 300 tờ thông tin, 128 bảng thông tin về TGPL, trong đó có TGPL trong HĐTT để tuyên truyền rộng rãi tới người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí để người dân nắm được quyền lợi của mình khi tham gia tố tụng.
Ngoài ra, đơn vị đã tăng cường công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan có liên quan, kịp thời nắm bắt các vụ việc có liên quan đến các đối tượng được TGPL. 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ… đã thông tin về 408 trường hợp cần TGPL trong hoạt động tố tụng, qua đó, Trung tâm TGPL tỉnh và hai chi nhánh tại các huyện Lộc Bình, Chi Lăng đã cử TGVPL hoặc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 211 trường hợp nằm trong đối tượng được TGPL miễn phí.
Bà Lương Thị Hương Lan, TGVPL, Trưởng Chi nhánh Số 2 (huyện Lộc Bình) thuộc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Khi được cử tham gia TGPL trong HĐTT, tôi chú trọng nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc và các văn bản pháp luật có liên quan; tìm hiểu và nắm bắt được bản chất vụ việc cũng như tâm lý của bị cáo, từ đó định hướng phương án khắc phục lỗi; đưa ra quan điểm, căn cứ thuyết phục để bào chữa cho người được TGPL trong phiên toà. Từ đầu năm đến nay, tôi đã hoàn thành TGPL trong tố tụng cho 17/45 vụ việc, vượt 66% chỉ tiêu được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thụ lý 255 vụ việc TGPL bằng hình thức tố tụng (tăng 40 vụ việc, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020; vượt 8,6% chỉ tiêu nhiệm vụ phấn đấu của năm về tham gia TGPL bằng hình thức tố tụng), 100% các TGVPL đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao của năm về số vụ việc TGPL trong HĐTT. Trong đó, đến nay, đơn vị đã hoàn thành TGPL trong HĐTT 146 vụ việc, tăng 59 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng được nâng cao chứng tỏ ngày càng có nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh được TGPL miễn phí. Qua đó mở ra cơ hội giúp người phạm tội có động lực phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án của các cơ quan tố tụng, hạn chế án oan, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị, đảm bảo công bằng xã hội.
Theo Điều 7, Luật TGPL quy định, các nhóm đối tượng được TGPL miễn phí gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong các trường hợp đặc biệt có khó khăn về tài chính (người cao tuổi, người khuyết tật, thân nhân liệt sỹ,…) |
Ý kiến ()