Thứ 4, 25/12/2024 13:23 [(GMT +7)]
Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10
Thứ 6, 29/04/2011 | 14:01:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật của công dân nói chung, các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và các đương sự khác nói riêng; đồng thời tạo điều kiện để họ biết quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí tại các cơ quan tố tụng (CQTT), từ đó chủ động yêu cầu được tư vấn pháp luật, bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, những năm qua, hoạt động TGPL, nhất là TGPL trong hoạt động tố tụng (HĐTT) tại Lạng Sơn được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động này càng tăng cường và hiệu quả hơn khi Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC- TANDTC, ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong HĐTT được ban hành.
Cán bộ trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật tại xã Y Tịch (Chi Lăng) |
Ngay khi Thông tư có hiệu lực, Lạng Sơn đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong HĐTT và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL tại địa bàn. Hằng năm dựa trên kế hoạch của Hội đồng, các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch riêng và quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành. Để công tác TGPL trong HĐTT hiệu quả, các đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ với nhau trong giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh. Với nhiệm vụ của mình, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành tổ chức được 4 lớp tập huấn về Thông tư và các văn bản pháp luật mới cho tổng số 334 người là các trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên của Trung tâm TGPL; thẩm phán Toà án nhân dân, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện, thành phố và điều tra viên quân sự Quân khu I. Cùng đó, cung cấp và đặt 380 bảng, biển thông tin về TGPL tại các CQTT cấp tỉnh, huyện, Phòng Tư pháp, bộ phận một cửa các huyện, thành phố và UBND các xã; biên dịch và ghi âm 1.580 đĩa CD tiếng dân tộc Tày, Nùng, Dao tuyên truyền pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, bảo vệ và phát triển rừng…; xuất bản 1.083 cuốn sách về các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em phát miễn phí cho nhân dân và hội phụ nữ các cấp làm tài liệu tuyên truyền. Thông tin đến các CQTT danh sách trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên, đối tượng được TGPL miễn phí. Các CQTT, sau khi tiếp nhận thông tin đã tiến hành niêm yết công khai tại 100% đơn vị trực thuộc, bố trí địa điểm tiếp và giải thích cho bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ và các đương sự là người được TGPL biết về quyền được TGPL, hướng dẫn họ tiếp cận thông tin TGPL. Việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng tại các giai đoạn tố tụng cho luật sư cộng tác viên TGPL luôn được thực hiện đúng quy định. Cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, huyện đã hướng dẫn, giải thích quyền được TGPL cho 269 bị can, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án. Viện Kiểm sát và Tòa án hai cấp đã cấp 144 giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho luật sự cộng tác viên. Từ năm 2008 đến ngày 15/4/2011, luật sự cộng tác viên đã thực hiện được tổng số 152 vụ, trong đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp là 103 vụ; bào chữa 49 vụ. Nói về hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư, ông Lương Văn Kích, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành cho biết: TGPL trong HĐTT đã tạo điều kiện cho người được TGPL tiếp cận các dịch vụ pháp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bị can, bị cáo trong việc lấy lời khai; chấp hành, tôn trọng pháp luật tại mỗi giai đoạn tố tụng. Các CQTT, người tiến hành tố tụng và người được TGPL đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, thiết lập được cơ chế thông tin hai chiều để phát hiện, tránh sai sót trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo quyền lợi của người được TGPL, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đưa pháp luật vào cuộc sống, tác động tích cực vào quá trình cải cách tư pháp ở địa phương.
Cùng với kết quả đạt được, quá trình thực hiện Thông tư tại địa bàn cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là, đội ngũ luật sư cộng tác viên của Trung tâm TGPL ít (6 người), do vậy gặp khó khăn trong việc cử luật sư tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL trong khi số người thuộc diện TGPL trên địa bàn chiếm trên 85% dân số toàn tỉnh. Để khắc phục được hạn chế trên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động TGPL trong thời gian tới thì đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên rất cần được tập huấn nâng cao năng lực; đồng thời có quy định mức phụ cấp đối với trợ giúp viên pháp lý, kinh phí hoạt động cho Hội đồng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()