Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
(LSO) – Lạng Sơn có khoảng 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến vi phạm pháp luật. Chính vì vậy công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho ĐBDTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh quan tâm thực hiện.
Trước đây theo Luật TGPL năm 2006, ĐBDTTS phải có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mới là đối tượng được TGPL. Đến nay, theo Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 thì ĐBDTTS cư trú (bao gồm cả thường trú và tạm trú) tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đều được TGPL. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 65 nghìn ĐBDTTS sinh sống tại 133 xã, 121 thôn đặc biệt khó khăn là đối tượng được TGPL.
Bà Hoàng Thị Bích, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi thực hiện TGPL theo kế hoạch của Sở Tư pháp, trong đó chú trọng đối tượng ĐBDTTS tại vùng đặc biệt khó khăn. Trung tâm thực hiện TGPL với 3 hình thức gồm: tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng; tư vấn pháp luật; tùy vào tính chất sự việc và yêu cầu của đương sự. Việc trợ giúp này là hoàn toàn miễn phí và người được trợ giúp có quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL cho mình. Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã TGPL hơn 1.000 vụ việc cho đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh hướng dẫn đồng bảo dân tộc thiểu số viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý
Hình thức TGPL thường gặp đối với ĐBDTTS, đó là tư vấn pháp luật, những người thực hiện TGPL sẽ đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo các văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất giải quyết vụ việc. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tư vấn pháp luật hơn 700 vụ việc cho ĐBDTTS, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực: đất đai, hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…
Với những vụ việc tham gia tố tụng, trợ giúp viên, luật sư thực hiện TGPL của trung tâm sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Kể về vụ việc TGPL cho ĐBDTTS đáng nhớ nhất, ông Đinh Công Tuấn, luật sư thực hiện TGPL của của trung tâm chia sẻ: Tôi làm nghề đã hơn 10 năm, vụ việc tôi nhớ mãi, đó là vụ bà Hoàng Thị E, 60 tuổi, thôn Đồng Giáp, xã Văn Quan, là người dân tộc Nùng, mù chữ, không biết tiếng Kinh. Bà bị người cháu trong họ tranh giành 6 thửa ruộng thuộc sở hữu của bà. Tôi đã giúp bà làm đơn kiện, trình bày lý lẽ và dẫn chứng chứng minh quyền sở hữu của bà trước phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân huyện Cao Lộc. Kết quả bà đã lấy lại được ruộng.
Cùng với đó, để người dân hiểu rõ quyền lợi của mình, Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện truyền thông về TGPL, giới thiệu những điểm mới của Luật TGPL năm 2017; các văn bản hướng dẫn thi hành; điều kiện, thủ tục trình tự để được TGPL. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức được 97 cuộc truyền thông về TGPL cho 5.465 người, tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn của 10 huyện trên địa bàn tỉnh. Qua công tác truyền thông nhận thức về TGPL cũng như hiểu biết về chính sách, pháp luật của người dân được nâng lên, giúp họ có quyền và cơ hội để tiếp cận với công lý.
Thông qua các hoạt động TGPL, người dân đã biết quyền được TGPL của mình cũng như các quy định của chính sách pháp luật về ĐBDTTS. Bà Hoàng Thị V (nhân vật yêu cầu giấu tên), thôn Nà Căng, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi bị người khác tranh chấp đất rừng, tôi đã đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để được tư vấn giải quyết. Tại đây, tôi đã được hướng dẫn thủ tục yêu cầu TGPL, được giải thích rõ ràng pháp luật về trường hợp tranh chấp của gia đình để tiếp tục giải quyết vụ việc.
Có thể nói công tác TGPL cho ĐBDTTS đã được triển khai toàn diện, đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, hạn chế trong hiểu biết pháp luật nên số lượng ĐBDTTS được yêu cầu TGPL còn ít so với số lượng người được rà soát. Trong thời gian tới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh sẽ đẩy mạnh truyền thông về TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng đến đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL nói chung và ĐBDTTS nói riêng.
Ý kiến ()