Trợ giúp đầy ý nghĩa
LSO-Từ năm 2015 đến nay, không còn nỗi lo “chạy tiền” để mua BHYT, những người thuộc hộ cận nghèo Lạng Sơn đã thêm vững tin trong hành trình vượt khó.
Cán bộ y tế xã Lợi Bác (Lộc Bình) khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nguời dân |
Khi được hỗ trợ mua BHYT
Nghe chúng tôi hỏi về việc mua BHYT trong trường học, cháu Nông Thị Ngà, học sinh lớp 7 Trường THCS xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn) vui vẻ nói: Từ năm học 2015-2016, cả 3 chị em cháu được cấp phát BHYT mà không phải đóng tiền. Cháu vui lắm, vì bố mẹ cháu đỡ phải đi vay tiền để đóng mua BHYT như những năm trước…”. Anh Trương Ngọc Sơn, cán bộ Văn hóa- Xã hội xã Hoàng Đồng cho biết: xã Hoàng Đồng chỉ còn 16 hộ cận nghèo với 51 nhân khẩu. Tuy đã được nhà nước hỗ trợ đến 70% nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các hộ nghèo cũng dễ “lờ” chuyện mua BHYT. Từ năm 2015, khi được tỉnh hỗ trợ với mức 10% và Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng hỗ trợ thêm 20% thì các hộ cận nghèo như gia đình anh Nông Văn Bắc, thôn Quán Hồ; anh Hoàng Văn Pẻn, thôn Đồng Én và các hộ cận nghèo khác như vơi được một nửa gánh nặng về chuyện cơm áo gạo tiền.
Gặp chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK), chị Hoàng Thị Theo ở thị trấn Cao Lộc đang chăm sóc người nhà điều trị tại đây nói rằng: được cán bộ thị trấn trao cho tấm thẻ BHYT và được giải thích rằng do gia đình thuộc hộ cận nghèo nên nhà nước đã hỗ trợ 434.700 đồng, tỉnh hỗ trợ 62.100 đồng và Dự án y tế hỗ trợ 124.200 đồng, chúng tôi mừng lắm. Đây là sự quan tâm thiết thực của Đảng, nhà nước đến những người như chúng tôi. Giờ đây tôi cứ yên tâm chăm sóc chồng đang chữa bệnh mà không còn lo nghĩ, chạy vạy tiền viện phí nữa.
Những tác động tích cực
Ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc BHXH cho rằng: mặc dù chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho hộ gia đình giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 59/2015- QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định hộ cận nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân dưới 700 ngàn đồng/ người/ tháng và thiếu hụt từ 1-2 chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội trở lên, song trên thực tế các hộ gia đình thuộc nhóm này đều thiếu hụt chỉ số BHYT- chỉ số quan trọng nhất trong các dịch vụ xã hội. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó là “cái bẫy” rất dễ khiến hộ cận nghèo quay lại sự nghèo đói. Dân mình thường có câu “cái khó bó cái khôn”, vẫn biết thẻ BHYT là thứ “bảo hộ” cho sức khỏe, song khi phải bỏ ra 186.300 đồng mỗi năm (theo mức lương cơ bản 1.150 ngàn đồng) để đáp ứng 30% còn lại mua BHYT vẫn không thể “chạy” nổi. Khi khỏe không lo mua bảo hiểm, khi ốm sẵn sàng bán trâu để chữa bệnh- tư duy của người cận nghèo nhiều khi là như vậy. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tham gia BHYT trong nhóm đối tượng người cận nghèo giai đoạn 2012-2014 ở Lạng Sơn chỉ ở mức trên dưới 10%.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của tỉnh và của dự án, ông Đặng Minh Dũng cho rằng: năm 2015 với 6.371 người và 6 tháng đầu năm 2016 đã có 3.170 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT- đạt 100% danh sách đã góp phần đưa tỷ lệ dân số tham gia BHYT lên 85% vào thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016.
Cần nâng cao hiệu quả của truyền thông
Nếu nói các chế độ hỗ trợ hộ nghèo là trao cho họ cái “cần câu” thì sự hỗ trợ hộ cận nghèo là “nối dài dây cước” để cái “cần câu” sẵn có vươn xa hơn, câu được những “con cá” to hơn, tiếp thêm lực để giúp họ ra khỏi danh sách cận nghèo. Hỗ trợ mua BHYT cho hộ cận nghèo cũng mang ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, những người nhận thức được giá trị nhân văn của sự hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo như chị Theo ở thị trấn Cao Lộc vẫn còn ít. Bằng chứng là vẫn còn nhiều hộ cận nghèo chỉ biết lên UBND xã nhận thẻ BHYT mà không biết được trị giá và nó có được từ sự hỗ trợ nào. Đây là vấn đề cần quan tâm, vì nếu không biết được sự giúp sức của nhà nước, của tỉnh và của dự án trong một giai đoạn nhất định thì tính trông chờ ỷ lại rất cao, tinh thần phấn đấu vươn lên của hộ cận nghèo bị hạn chế.
Người dân, nhất là vùng dân tộc, miền núi vốn ít được tiếp cận thông tin, nhất là các kênh thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình…), nên loại hình truyền thông trực tiếp (qua những buổi sinh hoạt Đảng, các đoàn thể, lồng ghép trong các buổi họp thôn bản…) có vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, những nơi nào có cán bộ BHXH về truyền thông trực tiếp tại thôn bản thì nơi ấy người dân cảm nhận tốt hơn sự quan tâm của Đảng và nhà nước đến việc hỗ trợ về mọi mặt, trong đó có hỗ trợ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo; được động viên họ sẽ có đủ tự tin vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
MINH HỒNG
Ý kiến ()