Trợ giúp các dân tộc thiểu số vươn lên
Trong 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước ta, các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao hiện có 3.504 hộ, 17.810 người, cư trú tại ba tỉnh miền núi phía bắc là Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Trong đó, Lai Châu là tỉnh có số lượng đông nhất và là tỉnh duy nhất có các dân tộc Mảng, La Hủ. Các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống ở tỉnh Lai Châu sống tập trung ở hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ.Đồng bào các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao phần lớn cư trú ở khu vực núi cao, có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn, trèo đèo, lội suối. Vào mùa mưa, nhiều thôn, bản bị cô lập với khu vực chung quanh. Hiện nay, ở vùng bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao sinh sống có 20/21 bản người dân tộc Mảng (96%); 43/43 bản người dân tộc La Hủ (100%); 7/9 bản người dân tộc Cống (78%); 10/13 thôn người dân tộc Cơ Lao (84,5%) chưa có điện lưới phục vụ sản xuất và...
Đồng bào các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao phần lớn cư trú ở khu vực núi cao, có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn, trèo đèo, lội suối. Vào mùa mưa, nhiều thôn, bản bị cô lập với khu vực chung quanh. Hiện nay, ở vùng bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao sinh sống có 20/21 bản người dân tộc Mảng (96%); 43/43 bản người dân tộc La Hủ (100%); 7/9 bản người dân tộc Cống (78%); 10/13 thôn người dân tộc Cơ Lao (84,5%) chưa có điện lưới phục vụ sản xuất và đời sống. Số phòng học tại các điểm trường thôn bản ở vùng này phần lớn là phòng học tạm. Trong số 320 phòng học cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở ở Lai Châu, có đến 205 phòng học tạm. Ở Điện Biên, 100% số bản có lớp học mầm non và tiểu học, nhưng chủ yếu là nhà bán kiên cố lợp tôn hoặc phi-brô xi-măng. Tại các thôn bản ở vùng đồng bào dân tộc Cơ Lao, một số điểm trường được xây dựng nhà cấp 4, phần lớn là nhà tạm do nhân dân xây dựng bằng vật liệu gỗ, trình tường đất, hiện đang xuống cấp từng ngày.
Miền núi đất rộng người thưa, nhưng tìm được những khoảnh đất phù hợp để sinh sống không dễ. Vì thế, tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào rất lớn. Nếu tính theo mức của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ, số hộ thiếu đất sản xuất là 1.817/3.504 hộ (51,9%). Trong đó, đồng bào dân tộc Mảng có 573/731 hộ (78%); đồng bào dân tộc La Hủ có 831/1.919 hộ (43,4%); đồng bào dân tộc Cống có 216/408 hộ (52,9%); đồng bào dân tộc Cơ Lao có 197/446 hộ (44,2%) thiếu đất sản xuất.
Lương thực bình quân đầu người rất thấp: đồng bào dân tộc Mảng 114 kg/năm; đồng bào dân tộc La Hủ 95 kg/năm; đồng bào dân tộc Cống 161 kg/năm; đồng bào dân tộc Cơ Lao 171 kg/năm. Vào mùa giáp hạt hằng năm, các hộ thường thiếu lương thực bốn đến năm tháng. Tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao. Trong số 3.504 hộ đồng bào bốn dân tộc, có tới 2.729 hộ nghèo (77,9%).
Thực tế trên cho thấy, bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao thuộc nhóm có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, gấp từ 2,5 đến ba lần so bình quân của tỉnh, gấp 1,7 đến 2,1 lần so bình quân ở các xã đặc biệt khó khăn và các dân tộc khác trên cùng địa bàn.
Trước nhu cầu cấp thiết đó, ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao”. Quyết định số 1672/QĐ-TTg chỉ rõ mục tiêu: xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 60% theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng 30%; 70% số thôn bản có đường giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, trường, lớp học kiên cố, bán kiên cố, nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ. 100% số thôn bản có chi bộ Đảng, có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ xã có trình độ trung học cơ sở trở lên; 50% số trạm y tế xã có bác sĩ, y sĩ sản nhi; tỷ lệ cán bộ cơ sở là người dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao tăng 40% so năm 2011. Mức sống của đồng bào các dân tộc này đến năm 2020 tương đương mức sống của các dân tộc khác trong vùng.
Đề án được thực hiện trong 10 năm (2011-2020), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I: 2011-2015 và giai đoạn II: 2016-2020, tại 88 thôn, bản của 27 xã thuộc chín huyện của các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang, với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Quyết định số 1672/QĐ-TTg cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
Quyết định số 1672/QĐ-TTg được ban hành, thể hiện sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc. Đây là sự cổ vũ, động viên lớn lao, là cơ sở để huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao tăng cường đoàn kết với các dân tộc anh em trên địa bàn, phát huy nội lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, hội nhập cùng sự phát triển chung của cả nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()