Trò chơi, trò diễn dân gian: Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống
- Mỗi độ xuân về, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lại háo hức đón chờ các lễ hội. Góp phần tạo nên không khí sôi động tại các lễ hội chính là các trò chơi, trò diễn dân gian. Đây không chỉ là một hình thức giải trí lành mạnh mà còn là điểm nhấn văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng.
Trò chơi cờ người tại lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn năm 2024
Tại các lễ hội, trò chơi, trò diễn góp phần nâng cao giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống. Thiếu trò chơi, trò diễn trong lễ hội là thiếu đi một không gian văn hoá mang đậm bản sắc.
Mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh cho biết: Trò chơi, trò diễn dân gian là di sản văn hoá phi vật thể trong kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc bởi nó thuộc về quần chúng Nhân dân không phải riêng của một cá nhân và nó gắn liền với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Trò chơi dân gian là những trò chơi mô phỏng lại những hoạt động và một số sinh hoạt thường ngày của các dân tộc trên địa bàn. Trò diễn cũng được xem là một loại hình nghệ thuật dân gian, bắt nguồn và tồn tại trong dân gian để phục vụ người dân. Trò diễn bao gồm 2 yếu tố là “diễn” và “trò”, yếu tố “diễn” là hành động chân, tay, đầu, mặt nhằm mục đích diễn tả, diễn cảm; còn yếu tố “trò” là nghệ thuật diễn đạt cốt truyện, có tích mới.
Trò diễn có đặc điểm kể truyện dân gian, có cốt truyện chứa đựng hình tượng về số phận các nhân vật. Trò phải dựa trên cơ sở truyện và truyện được thể hiện bằng “trò”. Ví dụ như trò diễn “nhảy dậm” tại lễ hội Trò Ngô, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng. Trò diễn nhằm tưởng nhớ 8 tướng Kim Cương dẫn 8 đội quân đánh giặc Ngô cứu dân giúp nước. Trò diễn gồm 1 người đánh trống, ông Hát cái và 8 người trong trang phục xưa với dây đai buộc bụng và dải vải quấn trên đầu, mỗi người mang một thanh gươm thực hiện các động tác múa chân tay, quay theo các hướng. Trò diễn thể hiện trấn trạch ngũ phương, quyết tâm luyện tập đánh giặc, tiến công đồn giặc. Các trò diễn trong các lễ hội dân gian, một mặt phục vụ cho phần nghi lễ, mặt khác chủ yếu hơn là món ăn tinh thần trong các đám hội, trong ngày tết và ngày chung vui của Nhân dân.
Trước đây, đa số các trò chơi dân gian do người dân chơi tự phát, song những năm gần đây, việc phục dựng và duy trì trò chơi dân gian trong các lễ hội xuân tại Lạng Sơn được các cấp, ngành chú trọng. Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Những năm qua, Sở VHTT&DL đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động thiết thực để phát triển di sản văn hóa phi vật thể trong đó chú trọng gìn giữ, phục dựng, phát triển các hoạt động, trò chơi, trò diễn tại các lễ hội truyền thống. Đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, ngành, Nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống của dân tộc. Đồng thời, xem xét xây dựng hồ sơ khoa học một số lễ hội tiêu biểu trình cấp có thẩm quyền công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia…
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa, phân loại, lập danh mục 272 lễ hội với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội. Tại các lễ hội truyền thống hầu hết đều có "sự góp mặt" của các trò chơi: tung còn, cờ tướng, cờ người, lảy cỏ, kéo co, đánh yến, đánh sảng, đua thuyền bè mảng... và các trò diễn dân gian như: kén rể (còn gọi là sĩ - nông - công - thương), múa sư tử mèo, múa võ, hát sli, lượn, phong slư… mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn.
Đi đôi với bảo tồn, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra không gian văn hóa lành mạnh để trình diễn các trò chơi, trò diễn truyền thống các dân tộc như: ngày hội văn hoá các dân tộc tại các huyện, thành phố; lễ hội hoa đào, các sự kiện kỷ niệm các lễ trọng đại của đất nước và các sự kiện văn hóa khác trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hơn 20 đợt trưng bày, triển lãm về di sản văn hoá trong đó có các trò chơi, trò diễn trong lễ hội truyền thống, xuất bản 2 đầu sách về lễ hội và các trò chơi, trò diễn trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, ngành chức năng đã lựa chọn các lễ hội truyền thống tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể trình xếp hạng. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 6 lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn); lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Phài Lừa (Bình Gia), lễ hội Bủng Kham (Tràng Định); lễ hội chùa Bắc Nga (Cao Lộc). Các lễ hội đều có điểm chung là lưu giữ và phát huy được rất nhiều trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Xứ Lạng.
Lan toả nét đẹp văn hoá
Thành phố Lạng Sơn là một trong những địa bàn của tỉnh thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống. Cho đến nay, các trò chơi, trò diễn dân gian như: cờ người, đẩy gậy, nhảy sạp, kéo co, vật tay, bịt mắt đánh trống, lảy cỏ, cướp đầu pháo, múa sư tử, hát then, sli, lượn... được người dân thành phố Lạng Sơn duy trì trong các lễ hội truyền thống, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương.
Bà Hoàng Thuỳ Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ bao đời nay các trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Việc tổ chức các trò chơi, trò diễn đã góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách tham gia. Bởi vậy thời gian qua, chúng tôi luôn chú trọng tham mưu UBND thành phố thực hiện công tác bảo tồn, phục dựng các trò chơi, trò diễn trong các lễ hội truyền thống; tạo môi trường hoạt động văn hoá để phát huy các trò chơi, trò diễn truyền thống thông qua việc đưa vào triển khai tại Phố đi bộ Kỳ Lừa và các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc, các sự kiện văn hoá - du lịch...
Không chỉ thành thị, lễ hội xuân ở các vùng quê, các trò chơi, trò diễn dân gian luôn là nội dung không thể thiếu và thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia. Anh Mông Quốc Chiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Van, xã Nam La, huyện Văn Lãng cho biết: Hằng năm, lễ hội lồng tồng thôn Bản Van (ngày 11 tháng Giêng) không thể thiếu các trò chơi, trò diễn dân gian. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên khi các trò chơi kéo co, nhảy bao, đẩy gậy, hát then, múa sư tử được tổ chức đã thu hút đông đảo người dân trong thôn, xã, cũng như các xã, huyện khác tham gia.
Cũng giống như lễ hội Bản Van, xã Nam La, huyện Văn Lãng, cứ đến ngày 4/4 âm lịch hằng năm (năm nhuận), lễ hội Phai Lừa, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia được tổ chức với trò chơi, trò diễn vô cùng đặc sắc được nhiều người dân mong đợi, nổi bật và được mong chờ nhất là trò đua bè mảng của các chàng trai đến từ 19 thôn, bản trong xã. Ngày mở hội, mỗi đội gồm 3 vận động viên phải vượt qua 3 vòng trên khúc sông dài 1.000 m. Đặc biệt, trước khi về đích, mỗi bè phải lật 3 vòng trước đình thờ thần Rắn, tái hiện hình ảnh chàng Rắn đang oằn mình đánh thuồng luồng và uốn mình 3 vòng trên sông để từ biệt cha mẹ, dân làng.
Chị Vũ Thu Phương, người dân xã Hồng Phong, huyện Bình Gia chia sẻ: Hoạt động đua bè từ trước đến nay vẫn luôn tạo sức hút đối với bà con. Hôm cuộc thi đua bè diễn ra, người dân rủ nhau đến cổ vũ rất đông hai bên bờ sông làm cho không khí sôi động, náo nhiệt. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều khách du lịch đến với địa phương cũng rất thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động này.
Từ thực tế trên cho thấy, ngày xuân nhiều địa phương tổ chức trò chơi, trò diễn như một sản phẩm du lịch mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo cơ hội để người dân, du khách được tìm hiểu thêm về văn hóa, cảm nhận đời sống tinh thần, phong tục, tập quán địa phương. Với những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, tin rằng thời gian tới, những giá trị độc đáo của các trò chơi, trò diễn trong các lễ hội ở Lạng Sơn sẽ ngày càng được phát huy mạnh mẽ, đem lại sức lan toả lớn, thu hút du khách thập phương, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh.
Ý kiến ()