Trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) khi bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp thực tiễn
Đây là kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 03/11.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, chia sẻ của các đại biểu với nội dung khó, phức tạp, cầu thị tiếp thu nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu.
Đối với sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết liên quan đến đất rừng, qua trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất chính sách phân cấp, cấp ủy quyền cho HĐND các địa phương và thời gian tới cần sửa Luật Lâm nghiệp để bảo đảm tính thống nhất.
Về Điều 79 được nhiều đại biểu quan tâm với tán thành với nội dung bổ sung quy định cho phép Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng.
Với các điều khoản nhà nước thu hồi đất, quy định theo hướng liệt kê, một số đại biểu cho rằng liệt kê chưa đủ, song cần căn cứ vào Điều 54 của Hiến pháp với yêu cầu là phải thật cần thiết.
Đề cập đến các trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận nhận thấy các ý kiến nghiêng về phương án 3 trong trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nhưng trong hạn mức nhất định thì không cần thiết phải thành lập tổ chức và phải có phương án sản xuất.
Đối với quy định về các điều kiện để Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Trước khi thu hồi đất phải thỏa thuận, phải được người dân đồng thuận nhận tiền hoặc nhận chỗ ở tái định cư, tạm cư, bảo đảm thúc đẩy dự án, tiến độ và quyền lợi của người dân.
Liên quan đến các chính sách để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo luật đã quy định Điều 16 và một số điều khoản khác để thực hiện chính sách này. Theo Chủ nhiệm Ủy ba Kinh tế, dự thảo quy định cả về đất ở, đất sản xuất lần đầu, trường hợp lần thứ hai và cơ chế để xử lý vấn đề này trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế để có quỹ đất bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số từ đất đai sắp xếp lại các nông lâm trường, các dự án phát triển quỹ đất, các quỹ đất công, cơ chế cho chuyển nhượng đất khác để thành đất ở cho đồng bào dân tộc.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận này đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về nhiều nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều nội dung phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội xem xét trong Kỳ họp này, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉnh lý, báo cáo giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp Quốc hội để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội trên tinh thần là chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.
Ý kiến ()