Trình Quốc hội năm dự án Luật và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. ( Ảnh: TRẦN HẢI )Ngày 29-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ bảy. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình năm dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và trình Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, nghe báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của QH về các dự án Luật nói trên. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.Tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lýTheo Tờ trình...
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. ( Ảnh: TRẦN HẢI ) |
Tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý
Theo Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Công tác tài chính đất đai, giá đất còn bộc lộ những yếu kém. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp. Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và thể chế hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đòi hỏi phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 một cách toàn diện. Dự thảo luật được xây dựng trên quan điểm, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2003.
Đối với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, theo Tờ trình của Chính phủ, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong năm ổ bão lớn của thế giới, hằng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Thực tế này đòi hỏi phải có khung pháp luật phù hợp làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Với Dự án Luật Hòa giải cơ sở, theo Tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Hòa giải cơ sở của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cũng khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật khi cho rằng, việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật sẽ có hiệu quả hơn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Theo đó, với diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục mở rộng và quan hệ đầy đủ, toàn diện hơn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn, khi đó các hoạt động khủng bố nhằm vào lợi ích của các nước lớn, các nước có thù địch với các đối tượng khủng bố tại Việt Nam có thể xảy ra và đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đến an ninh, trật tự của Việt Nam. Trong điều kiện như vậy, việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này như Tờ trình của Chính phủ.
Tờ trình dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng – an ninh (QP-AN), công tác giáo dục QP-AN trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua tổng kết của Chính phủ cũng như kết quả giám sát của Ủy ban QP-AN của QH cho thấy, thực tiễn đang tồn tại những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục QP-AN. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về giáo dục QP-AN chưa theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Ủy ban QP-AN của QH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh, nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo ra những bước phát triển trong giáo dục QP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Cuối buổi sáng, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp… Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, QH cũng xây dựng Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết gồm tám điều, trong đó nêu rõ mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân, đối tượng lấy ý kiến.
Cân nhắc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH, cũng như mục đích và yêu cầu về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc ban hành Nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị, chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước (gồm 49 người), nhằm bảo đảm tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy phiếu tín nhiệm được tập trung và sát hơn đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, nên quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các ban của HĐND. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) cho rằng, điều này nhằm phát huy tối đa tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân thông qua người đại diện là đại biểu QH và đại biểu HĐND.
Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên đưa ra hai mức độ ghi trên phiếu là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, nhằm thể hiện chính kiến của đại biểu khi bỏ phiếu. Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, để việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện đúng bản chất và phát huy hiệu quả cao nhất, các đại biểu phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được quy định cụ thể, với mục tiêu cao nhất là xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân.
Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm, đối với người lấy phiếu tín nhiệm hai lần liên tiếp không quá bán, có thể xem xét cho từ chức hoặc xem xét thay thế.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thay khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để thể hiện rõ mục đích, yêu cầu và đối tượng cần bỏ phiếu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()