Trình Quốc hội đề án cao tốc Bắc-Nam vào tháng 5
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT sớm hoàn tất đề án cao tốc Bắc-Nam nhánh phía đông để báo cáo Quốc hội vào tháng 5 tới.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (10/1).
Phó Thủ tướng cho rằng, nếu Quốc hội thông qua sẽ tiến hành làm từng đoạn tuyến, như Ninh Bình-Thanh Hóa, Thanh Hóa-Nghệ An… do vậy, Bộ GTVT phải tập trung lập đề án chi tiết, cụ thể để nếu được Quốc hội thông qua là đi vào triển khai.
Trao đổi bên lề hội nghị về quá trình chuẩn bị cho đề án trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình để xây dựng các đoạn tuyến nhằm nối thông tuyến cao tốc này.
Theo đó, với chiều dài 1.376 km, tuyến cao tốc Bắc-Nam được chia thành 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công-tư (PPP). Về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định dành hơn 40.000 tỷ đồng (đợt 1) để phục vụ đối ứng cho dự án.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cho dự án cao tốc Bắc-Nam. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai các công tác cần thiết.
Đối với dự án này, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản toàn tuyến vào năm 2021. Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay như: Ninh Bình-Thanh Hóa-Vinh, Dầu Giây-Phan Thiết, Quảng Ngãi-Quy Nhơn…
Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Hà Nội-TPHCM do Bộ GTVT xây dựng và đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, xem xét có tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng.
Trong đó, vốn nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 93.534 tỷ đồng (chiếm 40,7%).
Để bảo đảm khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải. Trong đó, các đoạn có dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2030 trên 30.000-35.000 xe/ngày, đêm sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, các đoạn có nhu cầu vận tải thấp hơn sẽ phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 17 m.
Do vậy, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đưa ra 3 phương án về quy mô. Thứ nhất, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn xe hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, trong đó đoạn Hà Nội-Vinh và Phan Thiết-Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe.
Đoạn Vinh-Túy Loan và đoạn Quảng Ngãi-Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Theo baochinhphu.vn

Ý kiến ()