Trình độ học sinh Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo. Mục tiêu của PISA là nhằm hiểu rõ các đặc trưng và trình độ của học sinh, đồng thời so sánh học sinh giữa các nước trên thế giới.
Hội nghị Tổng kết Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA)2012 |
Việt Nam đã tham gia PISA 2012, theo Bộ GD&ĐT thì đây là bước tích cực của hội nhập quốc tế về giáo dục; nhằm so sánh “mặt bằng” giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế, được OECD đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia; góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kỹ thuật và phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy – học, thi và đánh giá.
Kết quả của Việt Nam trong kỳ thi PISA 2012 đứng trong top 20 quốc gia và vùng kinh tế có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của OECD. Qua đó, có thể thấy năng lực của học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu khung năng lực của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA; chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của OECD và của quốc tế.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong quá trình tham gia, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của PISA, chuẩn bị tâm thế cho giáo viên và học sinh tham gia tích cực để hoàn thành tốt kỳ thi khảo sát chính thức PISA. Học sinh đã nỗ lực hoàn thành tốt bài thi, đạt kết quả cao. Đội ngũ chuyên gia tổ chức triển khai PISA tại Việt Nam dù có số lượng ít nhưng đã cố gắng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tiếp cận được với thế giới. Kết quả đáng tin cậy.
Kết quả này cùng với kết quả cao trong các kỳ thi Olympic các môn toán, tin, vật lý, hóa học, sinh học, thi nghiên cứu khoa học… châu Á và thế giới cho thấy, giáo dục Việt Nam không chỉ đạt thành tựu về phát triển quy mô, số lượng mà còn đạt chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản thuộc nhóm cao của thế giới.
Từ kết quả PISA 2012, Bộ GD&ĐT có thể xác định được thực trạng kết quả học tập của học sinh độ tuổi 15 của Việt Nam một cách chính xác, trung thực và có so sánh được với các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh để có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố tiêu cực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là chất lượng giáo dục tiểu học, giáo dục THCS thông qua việc phân tích kỹ báo cáo kết quả PISA 2012. Cung cấp luận cứ khoa học để Việt Nam nghiên cứu, vận dụng các kỹ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng của từng địa phương…
Năm 2015 PISA sẽ tiến hành đánh giá các lĩnh vực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu, năng lực giải quyết hợp tác vấn đề, năng lực tài chính, năng lực sử dụng máy tính. Riêng lĩnh vực khoa học, bài thi trên máy tính có nhiều câu hỏi mới hiện đại hơn so với các câu hỏi thi trên giấy.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là giải pháp đột phá. Để đáp ứng điều này, phải thay đổi cơ bản, đồng bộ các yếu tố của chương trình giáo dục, bao gồm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá và đánh giá giáo dục…
Thứ trưởng cho rằng, với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học thì cần phải chuyển từ kiểm tra đánh giá gắn chủ yếu coi trọng kiến thức, xem học sinh học được gì sang đổi mới kiểm tra, đánh giá xem học sinh học được gì để vận dụng, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Điều đó yêu cầu phải thiết kế những câu hỏi, những bài tập, bài kiểm tra, đề thi… khác so với trước. Hướng tới làm một cách nghiêm túc, chất lượng, được xã hội thừa nhận, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Thứ trưởng chỉ rõ, hướng quan trọng và rất mới đó là cùng với đánh giá từng học sinh như chúng ta đã làm lâu nay, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung đánh giá trên diện rộng bằng cách đánh giá chất lượng học sinh của địa phương, đất nước. Do vậy việc tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế để biết được mặt bằng giáo dục của địa phương, đất nước, vừa tìm ra những khuyến nghị cần thiết về chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Ý kiến ()