Triều Tiên và những đột phá khiến giới công nghệ “ngả mũ”
Triều Tiên mới đây đã phát triển công cụ phiên dịch 7 ngoại ngữ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có độ chính xác và trình độ “gần như chuyên gia”. Song có lẽ ít người biết rằng, đây chỉ là bất ngờ mới nhất trong số những bất ngờ mà đất nước này từng đem đến cho giới công nghệ.
Hãng tin Yonhap ngày 3-10 dẫn thông tin từ tờ DPRK Today của Triều Tiên cho biết, một học viện trực thuộc Đại học Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng vừa phát triển thành công hệ thống phiên dịch với tên gọi Ryongma, có khả năng xử lý 7 ngoại ngữ, gồm: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Đặc biệt, với 3 ngoại ngữ Anh-Trung-Nhật, hệ thống Ryongma có thể dịch với trình độ đạt mức gần như chuyên gia. Bên cạnh đó, học viện nói trên cũng vừa nâng cấp chương trình nhận dạng giọng nói mang tên “Ryongnamsan”, được thiết kế phục vụ các công việc liên quan tới xử lý ngôn ngữ Triều Tiên.
Những năm gần đây, Triều Tiên đẩy mạnh việc tăng năng lực trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Năm 2019, BBC từng có bài viết nhận định rằng dưới thời của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ người dân-điều mà trước đó chưa từng có hoặc chưa được nhắc đến.
Nhiều học sinh tiểu học Triều Tiên đã được tiếp cận với “nền giáo dục robot”. Ảnh: EPA |
Điển hình là cách đây hai năm, một viện nghiên cứu của Đại học Kim Nhật Thành đã phát triển thành công hệ thống nhận diện khuôn mặt và công nghệ này sau đó được lắp đặt tại một bệnh viện và nhiều tòa nhà khác ở thủ đô Bình Nhưỡng. Nói về điều này, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên cho biết các nhà khoa học nước này đã tập trung phát triển các sản phẩm nhận diện khuôn mặt mang “đẳng cấp thế giới”. Ngoài ra, Đại học Kim Nhật Thành cũng giới thiệu hệ thống nhà thông minh với khả năng điều khiển bằng giọng nói, tự động vận hành các thiết bị điện tử trong nhà như quạt, điều hòa, đèn hay ti vi.
Đáng chú ý, một số nguồn tin cho rằng Triều Tiên đã đưa vào sử dụng hệ thống wifi công cộng và những chiếc điện thoại thông minh do chính nước này phát triển.
Martyn Williams, cây viết chuyên phân tích về Triều Tiên, nhận định rằng đời sống công nghệ Triều Tiên đang phát triển mạnh mẽ, trước hết là nhờ nước này sở hữu một đội ngũ kỹ sư phần mềm tài năng và các hệ thống cao cấp.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), những năm gần đây Triều Tiên hướng mục tiêu đầu tư vào công nghệ nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy sức mạnh quốc gia, và đích thân ông Kim Jong Un đã đưa ra chính sách sớm thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ. Tờ Rodong Sinmun thì mô tả Triều Tiên phát triển theo hướng “đổi mới hơn bao giờ hết” và ưu tiên nội địa hóa, tập trung vào khoa học-kỹ thuật cho nền kinh tế quốc gia.
“Triều Tiên nhận thức rõ rằng công nghệ cao sẽ đẩy nhanh nền kinh tế. Họ đã bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của riêng mình”, một giáo sư thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) chia sẻ với hãng thông tấn Yonhap.
Nhằm đạt được mục tiêu lấy phát triển công nghệ để thúc đẩy sức mạnh quốc gia, Triều Tiên thường dành đãi ngộ cao đối với các nhà khoa học, kỹ sư, cùng với đó là đẩy mạnh giáo dục về công nghệ. Truyền thông nước này cho biết Đại học Sư phạm Bình Nhưỡng thậm chí đã phát triển một chương trình giảng dạy về robot tại các trường tiểu học, từ đó giúp học sinh Triều Tiên tìm hiểu về chức năng của robot cũng như học thiết kế, lắp ráp và điều khiển robot.
Thế nên suy cho cùng, việc đất nước này thỉnh thoảng lại cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá, khiến thế giới công nghệ phải ngỡ ngàng, cũng không phải điều gì đó quá khó hiểu.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()