LSO-Có câu “Có gan, làm giàu”, “gan” ở đây phải dựa trên nền tảng kiến thức, những hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nào đó để phát triển kinh tế. Gan nhưng không liều. Những kinh nghiệm đó đã được triệu phú trẻ Nông Văn Tiến – “Thủ lĩnh” đoàn xã Quan Sơn (Chi Lăng) đúc rút từ thực tiễn.
Hành trang ra ở riêng của vợ chồng Tiến chỉ là chút lưng vốn nho nhỏ, may ra đủ đầu tư được đàn gà. Đứa con gái đầu lòng ra đời, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai chàng trai trẻ sinh năm 1975. Cũng như bao gia đình khác ở cái thôn Làng Mũn này, muốn làm nông thì thiếu đất sản xuất, muốn chăn nuôi thì thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, mọi con đường thoát nghèo đối với vợ chồng Tiến lúc này im ỉm khóa. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, khát vọng vươn lên càng trở nên mãnh liệt hơn với chàng thanh niên Làng Mũn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhiều đêm trằn trọc, Tiến ngẫm ra một điều: Phải đi, phải học hỏi, ta nghèo bởi ta thiếu kiến thức. Và cũng từ suy nghĩ đó, Tiến bắt đầu sưu tầm sách báo về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Học tập bắt đầu từ những mô hình ngay trong xã nhà, rồi ở các xã lân cận…dần dần Tiến đi khắp cả huyện Chi Lăng, rồi sang các huyện khác, thậm chí đi cả tỉnh khác. Nơi nào nghe nói có mô hình làm kinh tế hay, hiệu quả là mình tìm đến tham quan – Tiến tâm sự: Nhưng vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của gia đình, thì sẽ không có một mô hình nào phù hợp nếu áp dụng một cách nguyên xi.
|
Triệu phú trẻ Nông Văn Tiến |
Sau nhiều năm kiên trì học tập, trau dồi cả về kiến thức lẫn thực tế, phân tích một cách thấu đáo những thành công và cả những thất bại của các mô hình kinh tế mà mình đã tham quan, Tiến quyết định vay vốn ngân hàng. Đầu năm 2008, với 30 triệu đồng tiền vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Tiến đầu tư vài gian chuồng và nuôi 2 lợn nái. Những kiến thức đã đọc, đã học lúc này phát huy tác dụng, lợn được chăm sóc, phòng bệnh dịch theo đúng quy trình kỹ thuật đã nhanh chóng sinh sản, lứa đầu tiên được 26 lợn con. Cùng với chăn nuôi, gia đình Tiến “tấn công” vào dịch vụ với những mặt hàng kinh doanh gắn với mô hình chăn nuôi của mình như thức ăn chăn nuôi gia súc, phân lân, đạm… cùng một số mặt hàng nhỏ lẻ khác. Lứa lợn đầu tiên gia đình không bán mà tiếp tục dồn vốn mở thêm chuồng trại để nuôi lợn thịt. Lứa đầu tiên, gia đình Tiến xuất chuồng được 2 tấn lợn thịt. Chìa khóa thoát nghèo đã nằm chắc trong tay Tiến. Tiếp tục học hỏi, tiếp tục tìm tòi, năm 2009, Tiến tiếp tục vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng, cùng với số vốn tích lũy được xây dựng một hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn nái, bể biogas với quy mô hiện đại, công nghiệp. Không chỉ còn là 2 lợn nái mà Tiến đầu tư mua 12 lợn nái, trong đó 4 nái lai, 6 nái siêu nạc và thêm 1 đựa giống siêu nạc. Tổng vốn đầu tư lên đến 150 triệu đồng, nhiều người bảo làm liều, Tiến chỉ cười: Chắc chắn thắng. Phụ trợ cho chăn nuôi, gia đình nấu rượu, làm đậu phụ và tiếp tục làm dịch vụ. Từ đó đến nay gia đình Tiến đã cung ứng cho thị trường trên 200 lợn con; hơn 2 tấn lợn thịt; 400 lít rượu và 5 tấn đậu, thu nhập đạt 80 triệu đồng/năm.
Có người đã nói, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tự làm giàu là một đoàn viên, thanh niên tốt. Còn người “thủ lĩnh” đoàn thì không những phải làm giàu cho mình mà còn phải có sức lan tỏa mạnh mẽ và giúp đỡ tạo điều kiện cho cộng đồng. Là Bí thư Đoàn xã Quan Sơn, Tiến đã tạo điều kiện cho nhân dân trong xã cùng phát triển bằng cách cung cấp lợn giống, thức ăn, phân bón theo hình thức trả chậm, tổng số tiền hỗ trợ cho vay theo hình thức đó cũng đã lên đến 80 triệu đồng. Gặp anh tại một hội nghị tổng kết, tôi đùa: Anh phát triển nhanh thật, mới khởi nghiệp từ 2008 mà. Với điệu cười quen thuộc, Tiến chậm rãi: Từ 2008 là thế nào, tôi khởi nghiệp từ trước đấy nhiều năm, phải tính từ lúc “lân la” đi học tập kìa. Hiện tại, Tiến cũng đang tính toán mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn hơn với 20 lợn nái, tương đương với trên 300 lợn con/năm, quy mô này sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về lợn giống, thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong xã. Hy vọng rằng với sức lan tỏa của anh “thủ lĩnh” đoàn xã, Quan Sơn sẽ có thêm nhiều triệu phú trẻ, góp sức vào sự phát triển chung.
Ý kiến ()