Thứ 5, 28/11/2024 15:51 [(GMT +7)]
Triệu phú, thầy lang
Thứ 2, 14/02/2011 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Từ hai bàn tay trắng khi mới rời quân ngũ trở về, sức khỏe yếu, lại tham gia nhiều công tác xã hội thế mà ở nơi “Sơn cùng thủy tận” ông vẫn trở thành triệu phú. Đó là ông Hà Quốc Am, dân tộc Nùng, xã Thanh Sơn huyện Hữu Lũng. Ông sinh năm Ất Dậu 1945 nếu tính tuổi theo con giáp thì năm nay ông đã 66 tuổi.
Triệu phú dưới chân núi đá…
Ông là một trong những người nổi tiếng ở huyện tôi hiện nay về làm kinh tế giỏi. Từ năm 2005 trở lại đây ông được mọi người gọi bằng cái tên “Nhà triệu phú” và liên tục được mời đi dự các hội nghị “Những người làm kinh tế giỏi” ở huyện, ở tỉnh và ở cả Trung ương nữa. Và ngày 13 tháng 5 năm 2010, tôi lại nhìn thấy ông trên màn ảnh nhỏ tại “Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất” ở thủ đô Hà Nội. Vào một buổi sáng sau khi ông ở đại hội về được ít ngày tôi đến thăm ông. Khu nhà ông ở lọt thỏm trong một thung lũng, bên hai trái núi đá nhô lên như hai ngọn tháp khổng lồ, trông vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, dân ở đây gọi là núi Đôi Đũa, thuộc làng Niêng, xã Thanh Sơn.
Lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ông vồn vã ôm chầm lấy tôi một hồi lâu rồi nói một câu hài hước đầy chất lính “Cứ tưởng ông quên cái thằng bạn ở Hoa Quả Sơn này rồi chứ!”. Biết là ông chỉ đùa nhưng tôi vẫn nói để ông hiểu rằng mình là người sống có trước có sau quên sao được. Nghỉ lại với ông một đêm. Nằm trong ngôi nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi đắt tiền: Từ những chiếc ti vi, tủ lạnh, bộ bàn ghế sa lông sang trọng đến những chiếc xe máy loại “xịn” làm cho tôi ngỡ ngàng về sự đổi thay nhanh chóng của gia đình ông.
Tôi còn nhớ như in chuyện ông kể cách đây vài chục năm ông bị một trận ốm nặng tưởng không qua khỏi. Sức khỏe cứ giảm sút dần. Cuối năm 1971, quân đội cho về nghỉ tại địa phương. Đối với người lính như thế là bị “loại” nhưng với “dân sự”, thì vẫn ”còn dùng tốt” (Ông lại cười hóm hỉnh) nên chỉ sau một thời gian ngắn địa phương lại giao cho ông những nhiệm vụ: Xã đội trưởng, Bí thư Chi bộ, và hiện nay là Chi hội trưởng Cựu Chiến binh làng Niêng.
Ông bảo mình không nỡ từ chối, bây giờ về với địa phương mình phải sống có ích, có ý nghĩa hơn với dân làng khi được tổ chức và nhân dân vẫn tin yêu, quý trọng.
Rít xong một điếu Thuốc lào, rồi vẫn cái giọng thủ thỉ, mộc mạc thân tình của một chàng trai dân tộc năm xưa, ông tâm sự: “Vào những năm đầu thập kỷ “chín mươi” của thế kỷ trước, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, các cháu còn nhỏ vợ lại đau yếu luôn… với hơn một mẫu ruộng và vài vạt nương trên sườn núi đá, ngày ngày vật lộn với nó, năm nào mưa thuận gió hòa thì cũng tạm đủ ăn, năm nào “Trời làm mất mùa” thì cũng khốn đốn lắm. Đã có thời kỳ phải “Tổng động viên” cả nhà vào rừng đào củ mài về ăn trừ bữa rồi đấy”. Những ngày đó cơ cực biết chừng nào. Hồi ấy thấy cảnh tiêu điều, nhà tôi buồn lắm. Tôi động viên: “Mình cứ yên tâm, phải tự cứu mình bằng khối óc và bàn tay chứ không thể ngồi thở dài chờ chết, phải tìm đường, mở lối…”
Tôi thiết kế mô hình: “Tiền kinh doanh, hậu ruộng vườn” Đi bằng hai chân. Nếu chỉ trông vào hạt thóc bắp ngô thì khó có thể sinh sống đàng hoàng sung túc được. Ngoài ruộng đồng, nương bãi còn phải xoay sở ra sao? Đồng thời phải làm gì hơn nữa để gia đình có đủ cơm ăn áo mặc và nuôi dạy các con học hành nên người? Thế là vợ chồng tôi vay tiền ngân hàng đầu tư vào chăn nuôi. Mới đầu là vài cặp lợn nái, vài đôi lợn thịt. Với chiếc xe đạp cà tàng, vợ tôi ngược xuôi đi hàng xáo, mua thóc chợ xa, bán gạo chợ gần, lời lãi được đấu cám đổ vào đàn lợn. Tôi ở nhà cặm cụi băm rau, lúi húi trong bếp nấu cám tất tật cho lợn ăn, tắm táp, rửa chuồng, tiêm phòng bệnh dịch. Mấy năm liền tôi xuất chuồng lợn con luôn được giá. Vào đúng dịp trên thị trường lợn thịt khan hiếm nên đầu ra cũng dễ dàng và có lãi cao. Theo năm tháng các con tôi cứ lớn dần lên và đỡ đần bố mẹ được nhiều việc lắm. Ngoài giờ học hành ra, đứa thì lên rừng chặt chuối về làm thức ăn cho lợn, đứa chạy ngược chạy xuôi mua bán, giao hàng, nội trợ giúp mẹ. Tằn tiện tích cóp từ chăn nuôi tôi xây dựng được căn nhà kiên cố này, đồng thời quy hoạch nâng cấp khu chuồng trại chăn nuôi”
Nhìn quanh một lượt quan sát. Tôi thấy, một ngôi nhà khang trang kiểu cách chẳng kém gì những ngôi nhà “mốt” hiện nay ở những nơi văn minh đô thị.
Một anh cán bộ xã Thanh Sơn, cũng là người hàng xóm với anh nói với tôi: ” Từ năm 2000 đến nay trong dãy chuồng nhà ông lúc nào cũng có trên 100 đầu lợn. Được chăm sóc khoa học kỹ thuật, con nào, con nấy da dẻ hồng hào, mông vai đầy đặn, vuông vức phàm ăn, lớn nhanh như thổi, đẹp như tranh vẽ”. Đúng như anh cán bộ xã nhận xét. Tôi đã được nhìn dãy chuồng lợn của ông. Những con lợn to béo núc ních năm chềnh ềnh chật kín cả ô ngăn, đầy các dãy chuồng trại. Tôi hỏi ông, riêng khoản thu nhập từ lợn ông nói: “Ba tháng một lần xuất chuồng, một năm bốn lứa, hơn chục tấn lợn hơi. Trừ chi phí, vốn liếng, mỗi năm trung bình cũng còn dành dụm tích lũy được trên 100 triệu đồng”. Ông nói thêm: Vừa rồi ông lại mở một dịch vụ xay xát để phục vụ bà con trong xóm. Ông và anh con trai cả phụ trách công việc này. Một cửa hàng sửa chữa xe máy do cậu con trai thứ 2 làm chủ quán. Cửa hàng xay xát của ông lúc nào cũng đông khách hơn các cửa hàng khác, một là vì ông làm ăn thật thà cẩn thận, hai vì ông nói năng cư xử với khách hàng lởi xởi, nhẹ nhàng. Khách ở gần, ở xa đã quen thuộc với cỗ máy xay xát của ông vì nó làm ra những hạt gạo trong và bóng lại được cám, được trấu. Ông bảo với tôi “Nhà có máy, tôi nghiền nhỏ thóc, ngô, đỗ tương, cá mắm, pha trộn với các dược phẩm bổ dưỡng gia súc, tự tay điều chế lấy cám tăng trọng, phục vụ chăn nuôi trong gia đình nên các “tàu hàng” đều thích mua “lợn sạch” của tôi”. Thấy công sức của ông bỏ ra quá lớn và hiệu quả kinh tế cao, tôi bật lời khen:
– Ông Am giỏi quá đấy!
Ông nhỏ nhẹ, rất khiêm tốn: “Giỏi gì bác! cuộc sống của tôi buộc phải thế, không còn con đường nào khác. Làm kinh tế như ra trận. Đối mặt trước quân thù, mình không giết nó thì nó sẽ giết mình. Cho nên chỉ được tiến, không được phép lùi” .Ông nói tiếp: “Phải vươn lên bằng khối óc và bàn tay, bằng mồ hôi và sức lực, để tự cứu lấy mình thoát khỏi đói nghèo”.
Từ hai bàn tay trắng ở nơi “sơn cùng thủy tận” vươn lên, vượt qua nghèo khó, mạnh dạn chuyển đổi nhiều nghề, năng động đổi hướng làm ăn kịp thời đúng lúc để giờ ông trở thành người giàu nhất làng Niêng, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng.
… Thầy lang
Nếu chỉ nói ông Hà Quốc Am về làm kinh tế giỏi thôi thì chưa đủ. Ông còn là một thầy lang có uy tín trong vùng. Hiện giờ ông là Phó chủ tịch Hội Đông y xã Thanh Sơn. Bằng những bài thuốc gia truyền ông đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân qua khỏi. Tôi hỏi về những trường hợp được ông chữa khỏi, ông bảo “nhiều lắm” rồi đưa cho tôi một quyển “nhật ký chữa bệnh” của ông trong nhiều năm nay. Trong cuốn “nhật ký” này ông ghi cụ thể từng ngày, tháng, năm, chữa bệnh cho ai, bệnh gì, khỏi hay không? Tôi lật từng trang xem và được ông cho biết từ ngày “hành nghề” đến nay ông đã chữa cho gần 500 trường hợp thuộc nhiều bệnh khác nhau. Hầu hết bằng thuốc nam, cây lá trên rừng. Gần 400 trường hợp bệnh nhân đến với ông, được ông chữa khỏi.
Không chỉ người trong xã, trong huyện mà cả một số bệnh nhân ở ngoài tỉnh cũng tìm đến ông. Như bệnh nhân Trịnh Nam Trâm ở Đồng Lạc, Yên Thế, Bắc Giang bị bệnh khớp nặng, đi nhiều nơi chạy chữa mà không khỏi. Nghe tin đồn ở làng Niêng, ông lang Am có nhiều bài thuốc hay chữa bệnh này thế là anh tìm đến. “Gặp thầy, gặp thuốc”, rồi anh khỏi bệnh. Chị Trần Thị Hương 25 tuổi ở xóm Tân Tạo xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) mắc bệnh “lạnh buồng trứng”, lấy chồng đã 5 năm không có con, hạnh phúc gia đình đang bị đe dọa, cũng tìm đến ông để chạy chữa. Khỏi bệnh, hiện nay đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh của chị đã 6 tuổi, năm nay vào học lớp 1. Tình cảm gia đình trở lại đầm ấm, hạnh phúc. Ông bảo sau khi có con vợ chồng chị Hương đã đem lễ đến tạ ơn nhưng ông chỉ nhận số hoa quả, còn “phong bì” ông cương quyết không nhận. Ông bảo: “Anh chị có con là tôi có phúc rồi”. Trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn Thảnh- làng Niêng (làng ông), bệnh sưng gan, vàng da cũng được ông tận tình cứu chữa nay đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh da dẻ hồng hào.
Tôi chú ý đến những dòng chữ ông gạch chân hoặc đánh dấu hoa thị (*) trong quyển sổ “nhật ký chữa bệnh” của ông, rồi tò mò, hỏi… Ông bảo những trường hợp đó là “không lấy tiền”. Tôi bảo: “thế thì nhiều lắm, phải đến hai phần ba!” . Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói: “Cây nhà lá vườn ấy mà, thuốc quanh ta cả thôi. Mình chỉ mất chút ít thời gian, nếu cứu được một người là mình thấy vui thêm một chút. Hơn nữa những người tôi “gạch chân” thì hầu hết là những người nghèo nên cố gắng giúp họ”.
Ngay buổi tối tôi có mặt ở gia đình ông hôm đó, tôi đã được chứng kiến một vài người đến nhờ ông kê đơn bắt mạch. Nhìn thái độ và nét mặt của người bệnh với ông thật thân thiện, tin cậy. Chị Sầm Thị Tuyến 30 tuổi thôn Niêng (bệnh cam tẩu mã) nói với tôi: Ông Am đúng là “Lương y kiêm từ mẫu” như Bác Hồ đã dạy. Người ta yên tâm, tin tưởng không những về chuyên môn nghề nghiệp mà còn về thái độ phục vụ của ông chân thành, thân thương. Ông sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của bà con hàng xóm, xa gần. Dù đêm hôm khuya khoắt hay mưa dầm, rét mướt người bệnh không ngần ngại gõ cửa nhà ông, vì họ biết, luôn luôn nhận được từ ông sự nhiệt tình và sẵn sàng phục vụ. Với ông thì niềm vui và hạnh phúc nhất là được nhân dân tin yêu và quý trọng. Thế đó!.
Chia tay ông, tôi tự hào về người bạn chiến hữu của mình năm xưa. Thật hiếm có một cựu chiến binh cao tuổi vừa là “triệu phú”, vừa là thầy lang nổi tiếng một vùng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()