Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Ngày 4-12, tại TP Huế, Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc vào thế kỷ 19", thu hút đông đảo các chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu khoa học đến từ Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội KHLS TP Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Ngày 4-12, tại TP Huế, Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc vào thế kỷ 19”, thu hút đông đảo các chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu khoa học đến từ Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội KHLS TP Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế.
Đây là hội thảo trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển, đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802-1885” do Hội KHLS Thừa Thiên -Huế thực hiện. Hội thảo nhằm đánh giá đúng công lao, vai trò của triều Nguyễn trong việc tổ chức quản lý biển, đảo sau khi thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ 19. Trong khả năng của mình, triều Nguyễn đã thực thi đầy đủ chủ quyền đất nước trên các vùng biển, đảo, nhất là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kể cả những đảo và quần đảo xa xôi ở vùng biển cực nam của Tổ quốc. Phần lớn tham luận tại hội thảo đã ghi nhận các thành tựu nổi bật của triều đại này đối với công cuộc bảo vệ biển, đảo.
Hơn 3.600 tác phẩm tham gia Cuộc thi “Quê hương xanh”
Ngày 4-12, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổng kết và trao giải cuộc thi “Quê hương xanh” viết về các cá nhân, tập thể cựu chiến binh Việt Nam với công tác bảo vệ môi trường. Sau một thời gian phát động, Ban tổ chức cuộc thi nhận được hơn 3.600 tác phẩm của 3.400 tác giả tham gia dự thi đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trên cơ sở các tiêu chí của cuộc thi, ban tổ chức đã trao một giải đặc biệt, một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 36 giải khuyến khích. Các tác phẩm dự thi và đoạt giải của cuộc thi “Quê hương xanh” lần này đã phản ánh được vai trò, tầm quan trọng và giá trị của môi trường; ca ngợi các tổ chức, cá nhân, những điển hình, mô hình tiên tiến của các cựu chiến binh trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, biểu dương các tấm gương có tinh thần dũng cảm, tích cực đấu tranh chống các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng…
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo phòng, chống thiên tai
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức khóa đào tạo “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông trong công tác dự báo phòng, chống thiên tai”.
Khóa đào tạo có sự tham gia của nhiều chuyên gia và học viên đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp CNTT – viễn thông trong và ngoài nước. Đây là lần thứ năm Viettel chủ trì tổ chức khóa đào tạo, tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến chính sách, quy định triển khai và quản lý các ứng dụng CNTT – viễn thông, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần.
Viettel hiện là thành viên thứ tám tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao trong hệ thống của Liên minh Viễn thông quốc tế.
Hội nghị khoa học Dược Đông Dương lần thứ tám
Ngày 4-12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Dược Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học Dược Đông Dương lần thứ tám, năm 2013 với sự tham gia của hơn 450 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, dược sĩ trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã thảo luận về các lĩnh vực: dược lý, dược lâm sàng và dược cộng đồng; dược liệu và hóa hợp chất tự nhiên; hóa dược, hóa phân tích và kiểm nghiệm; sinh dược học và công nghệ sinh học; bào chế và công dược. Đây là dịp tốt để các trường đào tạo chuyên ngành dược, các dược sĩ và xí nghiệp dược trong nước tiếp cận, trao đổi với đồng nghiệp quốc tế về các vấn đề chuyên sâu của dược học; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho người dân.
Dập tắt ổ dịch sốt xuất huyết ở Đác Nông
Chiều 4-12, Trung tâm Y tế huyện Đác Mil (Đác Nông) cho biết: Sau khi tiến hành bao vây, phun hóa chất diệt muỗi vào ngày 29-11, đến nay tại thôn 6, xã Đác N'rót không phát hiện thêm trường hợp nào mắc mới bệnh sốt xuất huyết nữa.
Trước đó, vào khoảng cuối tháng 11, tại thôn 6, xã Đác N'rót đã phát hiện có đến 29 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở Y tế tỉnh Đác Nông đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Đác Mil và Trạm y tế xã Đác N'rót đã tiến hành khoanh vùng, tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tiến hành vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, ao tù và tiến hành phun hóa chất diệt loăng quăng, muỗi…
đồng thời đến từng hộ dân phát tờ rơi và tuyên truyền cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết… Nhờ đó, đã kịp thời dập tắt ổ dịch sốt xuất huyết này. Đây là ổ dịch sốt xuất huyết thứ hai và có nhiều người bị mắc bệnh trên địa bàn tỉnh sau ổ dịch tại xã Quảng Sơn, huyện Đác Glong bùng phát mạnh vào tháng 7 và 8-2013.
Khai trương Ngân hàng gien vi sinh vật
Ngày 4-12, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Bộ Y tế) tổ chức bàn giao thiết bị và khai trương Ngân hàng gien vi sinh vật do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Các trang thiết bị được bàn giao gồm hệ thống tủ lạnh để lưu giữ các chủng vi sinh vật và một số trang thiết bị phòng thí nghiệm. Việc phát triển Ngân hàng gien vi sinh vật sẽ nâng cao khả năng chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo về các bệnh do vi sinh vật gây nên. Trong những năm gần đây, Việt Nam phải đương đầu với các dịch bệnh do vi sinh vật gây nên, nhưng chưa có một cơ sở nào hiện đại để lưu giữ được lâu dài. Đây là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có số lượng hệ thống tủ lạnh gần 20 chiếc, có thể lưu giữ các chủng vi sinh vật trong vòng hàng chục năm; mỗi tủ có thể lưu giữ được khoảng 20 nghìn chủng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()