Triệt tiêu tư tưởng “cào bằng”
Sự ra đời Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được dư luận đánh giá rất cao, xem đây không chỉ là sự “cởi trói” cho sáng tạo, bứt phá, mà còn là sự phủ định mạnh mẽ đối với tư tưởng “cào bằng”, trung bình chủ nghĩa tồn tại và bào mòn tinh thần dám nghĩ, dám làm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Hay nói cách khác, Kết luận số 14 đã kiến tạo “sân chơi” bình đẳng để mọi người cùng tham gia, tuân thủ một “luật chơi” sòng phẳng mà ở đó người có tài được ghi nhận, tôn vinh, còn người có năng lực kém chấp nhận bị đào thải.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần vạch trần sự nguy hiểm của tình trạng trung bình chủ nghĩa. Theo Người, không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng cộng điểm như nhau. Khi miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, Người có rất nhiều bài nói, bài viết lên án tình trạng phân phối “cào bằng”, phê bình những người “mũ ni che tai” và phát động phong trào thi đua yêu nước trong tất cả lĩnh vực của đời sống.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Soi chiếu vào thực tiễn hiện nay, rõ ràng tư tưởng “cào bằng”, trung bình chủ nghĩa vẫn len lỏi, chui sâu, thể hiện rõ nhất ở công tác đánh giá cán bộ. Việc lượng hóa tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ ở nhiều đơn vị còn chung chung, chưa phản ánh đúng phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn của cán bộ, đảng viên. Người có năng lực trung bình đôi khi được đánh giá tương đương người có năng lực tốt. Người chuyên đảm nhiệm việc mới, việc khó khi hoàn thành nhiệm vụ cũng bị đánh đồng với những người chỉ nhận việc dễ dàng, nhàn nhã nhưng không để xảy ra sai sót.
Cán bộ lãnh đạo đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm, nhưng công việc chung của đơn vị lại đạt hiệu quả không cao, chậm tiến độ, chưa đổi mới. Trong bình bầu thi đua, để tránh bị lãng phí chỉ tiêu, có nơi cố vớt vát một vài cán bộ, đảng viên chưa thực sự xứng đáng so với đồng chí, đồng nghiệp của mình cho đủ số lượng khen thưởng. Ở một số nơi, các buổi tổng kết, đánh giá cán bộ hằng năm thường mang tính hình thức, đến hẹn lại làm, rất ít trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thế mới có chuyện, ở một số đơn vị sự nghiệp hành chính công, 100% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ trở lên nhưng vẫn có tình trạng người dân chưa hài lòng khi đến thực hiện thủ tục hành chính.
“Cào bằng”, trung bình chủ nghĩa không chỉ xây nền móng cho tư tưởng an phận thủ thường, giậm chân tại chỗ, thói quan liêu, bảo thủ, trì trệ mà còn làm xói mòn lý tưởng, niềm tin, sự dấn thân và nỗ lực sáng tạo, bứt phá của những người thực tài.
Điều rất đáng mừng là Kết luận số 14 tuy ban hành chưa lâu nhưng nhiều cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu đã quán triệt sâu sắc, vận dụng rất trúng và đúng vào thực tiễn cơ quan, đơn vị mình với những quyết sách xác đáng về khuyến khích, trọng dụng người tài. Ở nhiều nơi, người đứng đầu mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách để tận dụng và phát huy tối đa chất xám của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết loại trừ tư tưởng “cào bằng”, trung bình chủ nghĩa vốn tồn tại ít nhiều trước đó trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
Từ đây, nhiều người thực tài như “mở cờ trong bụng”, thêm động lực sáng tạo bởi không còn sự thiên lệch, bất công, ai cũng như ai trong đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Ở chiều ngược lại, những người vốn có năng lực hạn chế, dựa dẫm vào tập thể và khuynh hướng trung bình chủ nghĩa hoặc sẽ phải tự thức tỉnh để phấn đấu vươn lên, hoặc chấp nhận đứng ngoài cuộc, bị đào thải bởi không đáp ứng được điều kiện của “sân chơi” sáng tạo, trí tuệ và bình đẳng.
Ý kiến ()