Triển vọng u ám
Bất cứ hành động trục xuất nhà ngoại giao hoặc nhân viên ngoại giao của một quốc gia đều mang tính chính trị rất cao và gây tổn hại về quan hệ giữa hai nước một cách nghiêm trọng.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại biên giới ở Kashmir. |
Hành động trả đũa ngoại giao liên tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan gần đây bắt nguồn trực tiếp từ căng thẳng tại Kashmir, đặc biệt sau vụ tấn công nhằm vào khu vực của quân đội Ấn Độ tại Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 18-9 khiến 19 binh sĩ thiệt mạng. Kể từ đó, hai bên liên tiếp có những đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp lẫn căng thẳng về ngoại giao. Bất chấp những kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế, mới đây nhất, một vụ đụng độ tại biên giới Kashmir đã khiến ít nhất 17 người của cả hai bên thiệt mạng. Quân đội Ấn Độ cáo buộc Pakistan “hành động vô cớ”, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2003 và cho biết, các binh sĩ Ấn Độ đã “đáp trả thích đáng”. Tuy nhiên, chính quyền Islamabad đã bác bỏ thông tin này. Trong một nỗ lực nhằm buộc Pakistan phải thừa nhận trách nhiệm, New Delhi đã có nhiều hoạt động ngoại giao tại khu vực và tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á lần thứ 19 do Pakistan đăng cai tổ chức vào tháng 11, khiến sự kiện này bị hoãn lại.
Trên thực tế, hơn nửa thế kỷ qua, Kashmir luôn là “cái gai” trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia này luôn trong tình trạng đối đầu gay gắt từ những nguyên nhân tôn giáo, lịch sử và leo thang thành một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Mặc dù hai bên đã nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết bất đồng, nhưng nhìn chung mối hiềm khích vẫn rất nặng nề. Bất kỳ động thái nào của bên kia cũng khiến phía còn lại phải thận trọng. Do vậy, việc Islamabad tham gia dự án Hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc (CPEC) nhằm mục đích liên kết cảng Gwadar ở phía Tây Nam Pakistan với Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) khiến Ấn Độ dõi theo trong cảnh giác. Thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu khí, CPEC thực chất là mạng lưới giao thông dài khoảng 3.000km từ Gwadar tới Kashgar. Tờ báo nổi tiếng của Ấn Độ Firstpost nhận định rằng, đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc và được xem như công cụ làm thay đổi luật chơi trong khu vực, đưa Pakistan thành một thực thể thịnh vượng hơn và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Gwadar có vị trí chiến lược giữa Nam và Trung Á với Trung Đông, nằm ở cửa vịnh Ba Tư, ngay bên ngoài eo Hormuz, cửa ngõ lưu thông của khoảng 40% lượng dầu mỏ thế giới. Có những lo ngại rằng, nếu cảng Gwadar được hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới vai trò cường quốc hải quân tại Ấn Độ Dương của Ấn Độ.
Mối quan hệ không yên ả giữa New Delhi và Islamabad được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh và hàng loạt những xung đột quy mô nhỏ. Với các cuộc tấn công vũ trang liên tục gia tăng ở biên giới Kashmir và sự trả đũa trên bình diện ngoại giao thời gian gần đây, căng thẳng song phương có chiều hướng xấu đi nghiêm trọng. Triển vọng u ám này không chỉ khiến nỗ lực đối thoại giữa hai bên đi vào ngõ cụt mà còn đe dọa đến hòa bình, sự ổn định và an ninh tại khu vực Nam Á.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()