Triển vọng từ nuôi rắn
LSO-Với nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc, ít dịch bệnh, đầu ra ổn định…, thời gian qua, nghề nuôi rắn đang có rất nhiều triển vọng mở ra một hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn tỉnh.
Anh Hoàng Minh Đức, thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn kiểm tra chất lượng rắn để làm giống |
“Mục sở thị” mô hình nuôi rắn đầu tiên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi những con rắn tưởng chừng hung hãn kia lại rất ngoan ngoãn trong chuồng nuôi và không có yêu cầu gì đặc biệt cho một chu kỳ sinh trưởng và phát triển. Anh Hoàng Minh Đức, chủ nhân trại rắn Minh Đức, thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua tìm hiểu, nghiên cứu, từ năm 2015, tôi bắt đầu nuôi rắn. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên từ 125 con rắn giống, qua một mùa đông rắn bị chết gần hết, chỉ còn khoảng 10 con sống sót. Sau đó, không nản chí, tôi mua thêm 50 con rắn giống để tiếp tục nuôi. Từ đó, vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, đến nay trang trại của tôi đã có 180 con rắn gồm hai loại rắn hổ trâu và rắn hổ mang. Hiện nay, nhu cầu của khách rất lớn, tôi thường không đủ nguồn để cung cấp cho thị trường. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để đầu tư, phát triển theo hướng bán rắn giống, trứng rắn và rắn thương phẩm.
Với thời gian, kinh nghiệm nuôi nhiều hơn anh Đức, anh Tô Đức Trọng ở xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng chọn nuôi rắn hổ mang để bán trứng thương phẩm. Anh Trọng chia sẻ: Năm 2013, tôi bắt đầu tìm hiểu và nuôi rắn. Hiện nay, tôi nuôi hơn 300 con rắn hổ mang. Vì có đầu ra ổn định là khách hàng Trung Quốc nên sau một thời gian nuôi thử nghiệm, cuối cùng tôi chọn hướng nuôi lấy trứng. Hiện nay, bình quân, mỗi quả trứng rắn có giá dao động khoảng 40 – 50 nghìn đồng/quả. Như vậy, mỗi năm từ nuôi rắn, tôi cũng có thu nhập vài chục triệu đồng.
Tìm hiểu được biết, rắn là động vật ưa ấm, sinh trưởng, phát triển chậm. Với điều kiện khí hậu lạnh như ở Lạng Sơn, thời gian nuôi sẽ lâu hơn so với các tỉnh miền xuôi. Do vậy, cũng chỉ có 2 loại rắn được người nuôi lựa chọn nhiều nhất, đó là rắn hổ mang và rắn hổ trâu.
Theo đó, từ một con rắn giống 1 tuần tuổi, sau khi nuôi được 2 năm, rắn mới có khả năng sinh sản. Năm đầu tiên, rắn đẻ từ 10 đến 15 quả trứng/lứa. Từ năm thứ hai trở đi, rắn đẻ từ 15 đến 30 quả trứng/lứa. Trường hợp ngoại lệ, nếu chăm sóc tốt, tối đa rắn có thể đẻ từ 35 đến 40 quả trứng/lứa. Trong đó, rắn hổ mang đẻ một năm một lứa, rắn hổ trâu một năm đẻ hai lứa (thường vào mùa hè khi thời tiết ấm).
Cũng theo đó, để có 1 kg thịt rắn, người nuôi mất khoảng 7 kg thức ăn gồm các loại như: chuột, cóc, ếch nhái, sâu bọ, côn trùng, thóc… Để rắn phát triển nhanh, mạnh, người nuôi cần đổi món ăn thường xuyên, tạo sự ngon miệng cho chúng…
Nghề nuôi rắn có nhiều ưu điểm như: tốn ít thời gian chăm sóc, chi phí thức ăn, thuốc men không lớn… Nếu nuôi rắn, ngoài thời gian cho ăn, dọn dẹp chuồng trại (mùa hè) một tuần chỉ mất 2 ngày, thời gian còn lại có thể tận dụng để làm thêm công việc khác. Đặc biệt, có 2 giai đoạn là khi rắn chuẩn bị lột xác và khoảng 4 tháng mùa đông là thời gian rắn sẽ không ăn, không phải chăm sóc gì… Sau khi lột xác, rắn sẽ ăn nhiều hơn và lớn nhanh hơn. Như vậy, trung bình sau một năm nuôi, rắn sẽ có trọng lượng khoảng 0,7- 1 kg/con. Với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay là 550 nghìn đồng/kg đối với rắn hổ mang và 600 nghìn đồng/kg với rắn hổ trâu thì sau khi trừ chi phí, một con rắn sẽ cho thu lãi khoảng 150 nghìn đồng.
Rắn là một trong số những động vật quý hiếm. Nghề nuôi rắn hiện nay còn khá mới mẻ, tuy nhiên, với nhiều ưu điểm, tiềm năng hứa hẹn đây sẽ là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()