Triển vọng từ cây chanh leo
LSO-Mỗi sào trồng 26 cây chanh leo, sau khi trồng 6 tháng bắt đầu cho thu hoạch, một vụ cho thu 25 triệu đồng/sào - mô hình trồng cây chanh leo của Công ty Cổ phần Non Nước trên địa bàn huyện Lộc Bình đã và đang cho hiệu quả cao. Hiện mô hình đang tiếp tục được nhân rộng trong nhân dân.
Mô hình trồng chanh leo của Công ty Cổ phần Non Nước cho hiệu quả kinh tế cao |
Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng chanh leo của Công ty Cổ phần Non Nước tại thôn Phai Sen, xã Tú Đoạn (Lộc Bình) những ngày đầu tháng 10/2017. Những giàn chanh xanh tốt, quả sai trĩu, chín màu tím đỏ trông rất bắt mắt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Sau khi đi tham khảo, tìm hiểu ở nhiều nơi, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với sự phát triển của cây chanh leo, cuối năm 2016, bà Vy Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Non Nước đã đầu tư trồng 6 ha chanh leo tại xã Tú Đoạn. Sau 6 tháng trồng, vườn chanh leo phát triển tốt, sai quả, năng suất cao, mẫu mã đẹp. Không chỉ trồng chanh leo ở Tú Đoạn, công ty còn mở rộng trồng 3,5 ha tại thị trấn Na Dương cũng cho kết quả tốt. Từ khi thu hoạch (tháng 6) đến nay, gần 10 ha chanh leo đã cho thu gần 70 tấn quả, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác.
Để cây chanh phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, người trồng phải đầu tư giàn, cột, hệ thống tưới tự động và có quy trình chăm sóc cụ thể. Bà Vy Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Non Nước cho biết: Giống chanh leo công ty nhập của một công ty ở Đài Loan (Trung Quốc), công ty cung cấp giống và cử chuyên gia sang hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc bao tiêu sản phẩm. Qua gần 1 năm trồng cây chanh leo trên địa bàn huyện Lộc Bình cho thấy khí hậu, đất đai rất phù hợp với việc trồng cây chanh leo và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng truyền thống.
Để nhân rộng, phát triển trồng chanh leo, Công ty Cổ phần Non Nước đã làm việc với UBND huyện Lộc Bình xin chủ trương cho mở rộng trồng chanh leo trên địa bàn xã Đồng Bục với diện tích 10 ha. Cụ thể, công ty đã ứng trước giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Khi thu hoạch quả, công ty trừ tiền cây giống, phân bón vào giá bán hoặc trừ làm nhiều lần trong năm. Theo tính toán của công ty, một sào chanh leo cho thu khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, công ty đã phối hợp mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây chanh leo cho người dân xã Đồng Bục. Đồng thời nhập giống và sẽ cung ứng cho người dân trồng trong tháng 11/2017. Qua đó tạo thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình trồng cây chanh leo của Công ty Cổ phần Non Nước là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện về trồng chanh leo và cho hiệu quả hơn hẳn so với các cây hoa màu như: ngô, củ đậu, khoai tây… Năm 2017, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đầu tư cho người dân tại xã Đồng Bục trồng 3 ha chanh leo trong tháng 11 tới.
Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với huyện Lộc Bình nhân rộng và phát triển trồng chanh leo trên địa bàn huyện. “Nếu điều kiện thuận lợi, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng trồng chanh leo lên hơn 100 ha. Đồng thời mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để công ty được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, mở rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại thu nhập cao cho người dân” – bà Vy Thị Tuyến, Giám đốc Công ty nhấn mạnh.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()