Triển vọng tốt đẹp trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ la-tinh
Khai trương mạng Viettel tại Ha-i-ti. Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Mỹ la-tinh. Diễn đàn Việt Nam - Mỹ la-tinh về thương mại và đầu tư do Bộ Ngoại giao chủ trì, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 5 và 6-7 tới nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước đối tác ở khu vực Mỹ la-tinh.Thị trường tiềm năngKhu vực Mỹ la-tinh nằm trên lục địa châu Mỹ, gồm 33 quốc gia với diện tích 20,7 triệu km2. Đây là một khu vực rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế toàn diện. Mỹ la-tinh có hơn 570 triệu dân, tổng thu nhập quốc dân (GDP) đạt hơn 5.500 tỷ USD (trong đó có ba nền kinh tế nằm trong G20 là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na), có nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng về vốn, khoa học - công nghệ...Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, lực lượng...
Khai trương mạng Viettel tại Ha-i-ti. |
Thị trường tiềm năng
Khu vực Mỹ la-tinh nằm trên lục địa châu Mỹ, gồm 33 quốc gia với diện tích 20,7 triệu km2. Đây là một khu vực rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế toàn diện. Mỹ la-tinh có hơn 570 triệu dân, tổng thu nhập quốc dân (GDP) đạt hơn 5.500 tỷ USD (trong đó có ba nền kinh tế nằm trong G20 là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na), có nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng về vốn, khoa học – công nghệ…
Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, lực lượng cánh tả Mỹ la-tinh đã liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và lên nắm quyền ở một loạt nước trong khu vực như: Vê-nê-xu-ê-la, Chi-lê, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Bô-li-vi-a, Ê-cu-a-đo, Pa-na-ma, Cô-xta Ri-ca, Ni-ca-ra-goa… và Pê-ru mới đây. Dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các nước Mỹ la-tinh đã có những thay đổi rõ rệt. Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ la-tinh đã tích cực triển khai nhiều cải cách chính trị, kinh tế, xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ. Các chính sách do chính phủ cánh tả triển khai thực hiện bước đầu đã phát huy hiệu quả và thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ, làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội đất nước, đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ và đang trên đà phục hồi tăng trưởng khá; góp phần không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.
Năm 2011 là năm thứ chín liên tiếp (trừ năm 2009) kinh tế Mỹ la-tinh có sự tăng trưởng khá cao và ổn định sau một thời kỳ dài ảm đạm. Từ năm 2003 đến nay, mức tăng trưởng kinh tế khu vực từ 4,5 đến 5,5%. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước Mỹ la-tinh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định, mặc dù có dấu hiệu chững lại trong những tháng đầu năm 2012, song các nền kinh tế Mỹ la-tinh vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc. IMF dự báo kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 3,75% trong năm nay và 4% trong năm tiếp theo.
Nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của các nước Mỹ la-tinh những năm qua là tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết khu vực, mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Từ cuối năm 1990 đến nay, cùng với trào lưu hòa bình, ổn định và phát triển, xu hướng liên kết và hội nhập kinh tế khu vực diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ la-tinh, thông qua việc thiết lập các cơ chế, tổ chức hợp tác như Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Thị trường Trung Mỹ (MMCA), Thị trường chung Ca-ri-bê (CARICOM), Liên minh
Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CELAC)… Theo Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), kim ngạch thương mại giữa Mỹ la-tinh và phần còn lại của thế giới đạt hơn 2.000 tỷ USD năm 2010, trong đó, châu Á đứng thứ hai sau Mỹ, với 17% kim ngạch xuất khẩu và 27% nhập khẩu của khu vực.
Trao đổi thương mại hai chiều giữa châu Á và Mỹ la-tinh – Ca-ri-bê tăng trưởng trung bình 20%/năm kể từ năm 2000 và đạt 442 tỷ USD năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chính của các nước Mỹ la-tinh là dầu mỏ, khí đốt, kim loại, nông sản, đồ gỗ… và nhập khẩu máy móc, hàng điện tử, dệt may…
Quan hệ hợp tác tốt đẹp
Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với các nước Mỹ la-tinh do có nhiều nét tương đồng về lịch sử văn hóa và xã hội: cùng là các nước đang phát triển, từng là nạn nhân của đế quốc thực dân. Trước đây, cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta đã trở thành tấm gương sáng đối với nhiều dân tộc trên thế giới, thu hút sự chú ý và giành được tình đoàn kết và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước Mỹ la-tinh. Lãnh đạo và nhân dân các nước Mỹ la-tinh cũng đánh giá cao và khâm phục những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước, bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước Mỹ la-tinh (27/33 nước). Thời gian qua, Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh tăng cường trao đổi nhiều đoàn cấp cao nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai bên. Bên cạnh việc củng cố tăng cường tình đoàn kết, quan hệ chính trị, ngoại giao với các nước Mỹ la-tinh, Việt Nam đang chú trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực cụ thể phù hợp thế mạnh và đáp ứng nhu cầu của nhau. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm qua, hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với các nước Mỹ la-tinh không ngừng gia tăng, nhất là trao đổi thương mại có mức tăng ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng 17 lần trong mười năm qua (từ 300 triệu USD năm 2000 lên 5,1 tỷ USD năm 2011). Trong đó, trao đổi thương mại với một số nước lớn trong khu vực như Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô đã vượt mốc một tỷ USD/ năm. Quan hệ đầu tư hai bên đã có bước khởi sắc với tổng cam kết vốn đầu tư của Việt Nam vào khu vực đạt hơn bảy tỷ USD và Mỹ la-tinh vào Việt Nam đạt khoảng hai tỷ USD. Trong chiến lược hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nước Mỹ la-tinh cũng chú trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, một nước có vị trí chiến lược ở trung tâm của khu vực Đông – Nam Á, có môi trường chính trị – xã hội ổn định, kinh tế phát triển năng động với thị trường gần 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6 đến 8% trong nhiều năm qua và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ ở hai khu vực Đông Á và Mỹ la-tinh cũng như trên thế giới, cùng với những tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ la-tinh đang có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Mỹ la-tinh là thị trường rộng lớn, có nhu cầu hàng hóa đa dạng, phù hợp cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu đa dạng, nguồn vốn và công nghệ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam đang cần.
Theo Nhandan
Ý kiến ()