Triển vọng tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2014
Những tín hiệu khả quan từ kết quả xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy dự báo về triển vọng tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2014 hoàn toàn có cơ sở. Giải pháp hữu hiệu để giúp ngành gỗ nâng cao sức cạnh tranh hiện nay là thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 884 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ 2013. Trước đó, trong tháng 1/2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vẫn giữ được đà tăng trưởng, ước đạt 507 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Được biết, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong năm 2014 là 6-6,2 tỷ USD. Đồng thời, năm 2014 cũng được dự báo là năm ngành gỗ có sự tăng trưởng đầy triển vọng.
Sản phẩm làm từ gỗ, tre, nứa của Việt Nam được yêu thích (Ảnh: HNV) |
Thực tế cũng cho thấy, ngay từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ đã ký được hợp đồng xuất khẩu với nhiều đối tác, trong đó có những đơn hàng lớn, dài hơi với các tập đoàn lớn như Carfor (Mỹ), IKEA (Thụy Điển),… để xuất khẩu sang các thị trường lớn là Mỹ và EU.
Hơn nữa, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt cao nhất từ trước đến nay với 5,7 tỷ USD, đó là còn chưa kể đến lâm sản khác ngoài gỗ. Đây là kết quả từ những chủ trương, chính sách vĩ mô cùng sự nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có hệ số lợi nhuận và giá trị gia tăng chưa cao do giá đầu vào như điện, nước, nhân công và giá nguyên liệu tăng trong khi giá bán không tăng nhiều. Chính vì vậy, trong năm 2014, ngoài việc mở rộng tìm kiếm thị trường mới, ngành gỗ sẽ chú trọng sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Về triển vọng thị trường trong năm 2014, VIFORES cho biết, nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi, nên xuất khẩu đồ gỗ vào hai thị trường này có khả năng tăng trưởng khả quan so với năm 2013. Thị trường Trung Quốc cũng đang tăng rất mạnh nhưng về lâu dài cần nâng cao giá trị gia tăng, bởi hiện nay xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thô như gỗ dăm, gỗ mảnh… với công nghệ thấp và giá rẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như: Nga, Ấn Độ, Trung Đông và đặc biệt là đầu tư xúc tiến mạnh vào thị trường Myanmar. Riêng đối với thị trường EU, dư địa và dung lượng của thị trường này vẫn vô cùng lớn, đặc biệt khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU được ký kết.
Tính đến nay, Việt Nam đã qua ba vòng đàm phán Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT) của EU nhằm đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu phải được sản xuất từ nguyên liệu gỗ hợp pháp. Theo đó, chỉ những sản phẩm có chứng chỉ FLEGT mới “rộng cửa” vào thị trường EU. Trọng tâm của kế hoạch hành động này là những Thỏa thuận Đối tác tự nguyện (VPA) đối với các nước sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có mong muốn loại bỏ gỗ bất hợp pháp trong thương mại với EU. Các phiên thảo luận kỹ thuật, tham vấn bên liên quan và hỗ trợ kỹ thuật đang được tiến hành với mục tiêu kết thúc đàm phán VPA vào cuối năm 2014.
Theo đánh giá của các nhà quản lý và các chuyên gia, thực hiện VPA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu đồ gỗ. Sản phẩm không chỉ tiếp tục được xuất khẩu vào EU mà còn có thể bán được giá cao hơn cũng như có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác, giảm thiểu tình trạng chế biến gỗ bất hợp pháp trong nước, tăng uy tín quốc gia.
Một tín hiệu đáng chú ý nữa là số liệu thống kê của VIFORES chỉ ra: 95% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ là doanh nghiệp nhỏ là vừa, chiếm lượng kim ngạch xuất khẩu chính vẫn là doanh nghiệp FDI. Nếu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2013 đạt 5,7 tỷ USD (tăng 17,8%) thì các doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này rất ít, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội đã thí điểm liên kết vùng. Đây là một cách làm hay, cần nhân rộng. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, cần xây dựng quy chế lâu dài, trong đó có vai trò của Nhà nước, từng bước liên kết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nâng cao sức cạnh tranh
Theo CPV
Ý kiến ()