Triển vọng phát triển cây dong riềng tại các xã vùng cao huyện Tràng Định
LSO-Vụ xuân 2013, cây dong riềng được bà con các xã vùng cao phía tây huyện Tràng Định như Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết và Tân Yên đưa vào trồng thử nghiệm lần đầu tiên với diện tích trên 30 ha.
LSO-Vụ xuân 2013, cây dong riềng được bà con các xã vùng cao phía tây huyện Tràng Định như Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết và Tân Yên đưa vào trồng thử nghiệm lần đầu tiên với diện tích trên 30 ha. Đây là cây trồng mới nằm trong chương trình đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các xã khó khăn vùng cao. Với những ưu điểm như có thể trồng xen với một số loại cây trồng ngắn ngày khác, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, có thể trồng cả trên đất xấu, hiệu quả kinh tế khá cao, cây dong riềng đang được bà con nông dân các xã vùng cao phía tây huyện Tràng Định đón nhận với kỳ vọng sẽ là cây xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.
Chị Bế Thị Huyền đang chọn giống dong riềng |
Để trồng thử nghiệm cây dong riềng trên địa bàn các xã vùng cao, huyện Tràng Định đã hỗ trợ toàn bộ giá giống và bao tiêu đầu ra cho vụ đầu tiên. Đến thời điểm giữa tháng 4/2013, các xã nằm trong chương trình đưa cây dong riềng vào sản xuất đã triển khai khá bài bản từ khâu phối hợp với huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, tới thực hành tại thực địa. Xã Tân Tiến là một trong các xã được huyện giao chỉ tiêu trồng dong riềng thử nghiệm trong vụ xuân 2013 với diện tích lớn nhất khoảng 10 ha, đến nay bà con đã trồng vượt diện tích so với kế hoạch. Ông Phan Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, ngay khi có chỉ đạo của UBND huyện xã đã triển khai trồng thí điểm tại 3 thôn là Bản Châu, Pò Cại và Nà Háo, nhưng thực tế bà con đã trồng vượt gấp đôi diện tích huyện giao, nhiều hộ dân đã sang các xã thuộc huyện Na Rì (Bắc Cạn) giáp ranh với Tràng Định học hỏi kinh nghiệm và mua giống cho vụ sau. Bản thân ông Vĩnh cũng đã qua nhiều xã của huyện Na Rì tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng cây dong riềng. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy bà con đang rất háo hức khi đưa cây dong riềng vào trồng thử nghiệm, toàn thôn Bản Châu có 50 hộ thì có tới một nửa số hộ đã tham gia chương trình đưa cây dong riềng vào sản xuất, đến nay bà con trong thôn trồng được trên 3ha. Chị Bế Thị Huyền ở xóm Pò Sláy, thôn Bản Châu phấn khởi cho biết: trước đây cây dong riềng đã được bà con trồng nhưng không nhiều, chủ yếu để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi là chính. Năm nay thấy xã triển khai đưa cây dong riềng về thôn, vừa được hỗ trợ giá giống lại bao tiêu sản phẩm, gia đình quyết định tham gia trồng thử nghiệm với diện tích 5 sào. Việc trồng chăm sóc cây dong riềng không cần nhiều công sức như cây lúa, cây ngô do vậy khá phù hợp với tập quán canh tác của bà con, đây cũng là một yếu tố thu hút đông đảo bà con tham gia trồng thử nghiệm.
Theo số liệu của các xã cung cấp, đến nay, xã Cao Minh có trên 100 hộ tham gia với diện tích trồng thử nghiệm khoảng 7ha, xã Đoàn Kết đã triển khai tới 8 thôn với diện tích 8 ha, qua quan sát thực tế, hầu hết diện tích dong riềng đã được trồng đang sinh trưởng phát triển khá tốt. Ông Phan Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết thêm: qua thực tế tìm hiểu tại Na Rì cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây dong riềng khá cao, nếu trồng 1 ha dong riềng, đến kỳ thu hoạch người dân sẽ thu được khoảng 80 tấn củ. Với giá thu mua thấp nhất là 1.500 đồng/1kg thì sẽ thu về trên 100 triệu đồng/ha. Đầu tháng 4/2013, một số doanh nghiệp tham gia chương trình đưa cây dong riềng vào các xã vùng cao phía tây đã cùng lãnh đạo huyện Tràng Định về xã khảo sát địa điểm để chuẩn bị đầu tư xây dựng một xưởng chế biến ngay tại trung tâm xã Tân Tiến nhằm thu mua và chế biến sản phẩm tại chỗ.
Trong thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây dong riềng mang lại đã được khẳng định tại nhiều xã thuộc huyện Na Rì (Bắc Cạn) giáp ranh với huyện Tràng Định. Tin rằng trong thời gian tới, cùng với cây thạch đen – một loại cây trồng vốn có hiệu quả kinh tế cao đang rất phát triển, nhân dân các xã vùng cao phía tây sẽ có thêm một cây trồng mới có hiệu quả kinh tế không thua kém. Từ đó, sẽ tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, từng bước giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()