Triển vọng nghề trồng nấm ở nông thôn Bắc Giang
Một lán trồng nấm linh chi. Bắc Giang là tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm như vị trí địa lý, giao thông, thời tiết, khí hậu, nguồn nguyên liệu, nguồn lao động... Những năm gần đây, cây nấm đã từng bước tạo được chỗ đứng vững chắc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau bốn năm kể từ khi tỉnh có chủ trương đưa cây nấm trở thành một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp, sản lượng nấm tươi đạt 3.500 tấn, trung bình gần 1.000 tấn/năm. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên. Nghề trồng nấm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 500 hộ với gần 2.000 lao động nông thôn; doanh thu mỗi năm trung bình hơn 10 tỷ đồng...Chúng tôi đến thăm trang trại trồng nấm của ông Đỗ Vinh Thúy, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang). Trên diện tích 0,5 ha, năm 2009, gia đình ông đầu tư gần một tỷ đồng thành lập trang trại nuôi trồng và chế biến nấm. Gia đình chỉ có...
Một lán trồng nấm linh chi. |
Chúng tôi đến thăm trang trại trồng nấm của ông Đỗ Vinh Thúy, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang). Trên diện tích 0,5 ha, năm 2009, gia đình ông đầu tư gần một tỷ đồng thành lập trang trại nuôi trồng và chế biến nấm. Gia đình chỉ có hai lao động chính, ông Thúy phải thuê thêm từ 10 đến 15 lao động tại địa phương để chăm sóc nấm. Từ trang trại này, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng, chưa kể trả công cho người lao động. Ông cho biết: “Tôi trồng nấm từ năm 2003 nhưng làm thủ công, nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường trong tỉnh. Từ năm 2009, được sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện, trung tâm giống nấm Bắc Giang, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Với tôi, cây nấm không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu. Từ khi trồng nấm chúng tôi chưa bị thua lỗ, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp. Nhiều khi khách hàng phải đặt hàng từ trước. Trồng nấm đúng là đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Ông Thúy cho biết với nguồn nguyên liệu tại chỗ sẵn có là bùn, rơm rạ, nguồn lao động nông nhàn dồi dào, đầu tư ít, dễ chăm sóc và thị trường tiêu thụ rộng lớn, cây nấm dễ dàng chiếm ngôi của một số cây chủ lực khác tại địa phương. So sánh với các loại cây trồng xuất khẩu như cà chua bi, ớt hiểm, dưa chuột bao tử… cây nấm có lợi thế hơn về thời gian, chi phí đầu tư, công chăm sóc, ít gặp rủi ro và đặc biệt là hiệu quả kinh tế cao. Với một sào Bắc Bộ (360 m2), một năm trồng nấm sẽ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra chỉ hơn 10 triệu đồng.
Chính vì thế, trong vòng bốn năm, xã Nghĩa Hưng đã phát triển nghề trồng nấm quy mô trang trại với hơn 100 hộ, mỗi năm mang lại nguồn thu cho địa phương 1,5 tỷ đồng. Nghề trồng nấm trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã.
Huyện Yên Dũng là một trong các địa phương đầu tiên của tỉnh hưởng ứng và đưa mục tiêu phát triển nghề trồng nấm thành nghị quyết. Huyện thành lập các Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã, ngoài chính sách của tỉnh, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất bằng vốn, kỹ thuật, công chỉ đạo, kiểm tra cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn… Kết quả sau bốn năm thực hiện, Yên Dũng đạt mức sản xuất trung bình khoảng 800 tấn nguyên liệu/năm, sản lượng trung bình hơn 200 tấn nấm/năm. Bên cạnh những hộ gia đình sản xuất theo mô hình trang trại, Yên Dũng đã phát triển các hợp tác xã trồng nấm có từ 13 đến 20 xã viên, thu nhập từ cây nấm khoảng 20 triệu đồng/xã viên. Đây là một nguồn thu tương đối quan trọng bên cạnh thu nhập từ mô hình sản xuất lúa, cá, màu truyền thống. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Dũng cho biết, những kết quả nêu trên chỉ là bước đầu và còn hết sức nhỏ bé so với tiềm năng của huyện. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những chính sách khuyến khích, đầu tư cho người dân, huyện tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng quy mô ngành nghề, xúc tiến cho nông dân vay ưu đãi, bảo đảm cung ứng giống nấm chất lượng tốt, đa dạng chủng loại, hình thành nghề trồng nấm có tính chất thường xuyên, liên tục như là nghề mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Những năm qua, Trung tâm giống nấm Bắc Giang là đơn vị đầu mối cung ứng giống cho toàn bộ hộ sản xuất nấm trên địa bàn. Trung tâm có khả năng sản xuất đến 1.200 kg giống nấm các loại/ngày, hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu của người trồng nấm trong tỉnh. Ngoài chức năng cung ứng giống nấm, Trung tâm còn là đầu mối sản xuất, tiêu thụ nấm ra thị trường và tập huấn chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Danh Thắng cho biết: Đến nay, trồng nấm là nghề còn mang tính chất thử nghiệm, sản xuất nhỏ lẻ là chính và chưa phổ biến rộng khắp trên địa bàn. Sản lượng hiện nay là 3.500 tấn, chưa tương xứng với tiềm năng của Bắc Giang. Mỗi năm tỉnh có thể sản xuất được 30.000 tấn nấm tươi các loại mỗi năm. Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, với nhiều lợi thế sẵn có, cây nấm sẽ là loại cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là đối với nông dân thiếu đất ở các vùng quy hoạch công nghiệp.
Theo ông Thắng, phát triển nghề trồng nấm, ngoài lợi ích kinh tế, còn có lợi ích về mặt xã hội, giải quyết việc làm cho nông dân nông thôn và bảo vệ môi trường. Cái khó hiện nay đối với người dân vẫn là thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thị trường, vốn… và nhất là tâm lý hồ nghi, “nghe ngóng” kết quả thành, bại của những người đi trước. Điều đó là một trong những nguyên nhân khiến nghề trồng nấm chưa đạt kết quả như mong muốn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Trung tâm công nghệ sinh học thực vật, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã nhận xét và cam kết đối với người trồng nấm Bắc Giang: Kết quả đạt được sau bốn năm triển khai ở Bắc Giang cho thấy hiệu quả cao của nghề trồng nấm, trong khi rủi ro rất thấp, hầu như không đáng kể. Theo tôi, để phát triển nghề nấm trên địa bàn cần có sự phối hợp giữa chuyển giao kỹ thuật, thực hiện cơ chế chính sách và thông tin tuyên truyền cho bà con nông dân. Riêng về khoa học kỹ thuật, cung ứng giống các chủng loại với chất lượng tốt nhất cho bà con, chúng tôi xin bảo đảm. Bề dày thành tích là hơn chục đề tài cấp Bộ về cây nấm cùng hơn 45 đơn vị liên kết chuyển giao khoa học kỹ thuật ở nhiều tỉnh, thành cả nước của VAAS là cơ sở cho cam kết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng như tiềm năng cây nấm trên đất Bắc Giang.
Mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cũng khẳng định chủ trương của tỉnh về cơ chế ưu đãi đầu tư, vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, cơ sở chế biến… cho nông dân và doanh nghiệp phát triển nghề trồng nấm, nhất là trên quy mô lớn. Như vậy, câu trả lời cho triển vọng phát triển nghề trồng nấm chỉ còn chờ người nông dân – những người trực tiếp làm cho rơm rạ “nở hoa” trên đất nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()