Triển vọng ngành ngân hàng
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VietinBank.
Nhiều dư địa ổn định tỷ giá, lãi suất
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2018 và triển vọng 2019 của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), chính sách tiền tệ năm 2018 đã được điều hành thận trọng hơn khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ động kiểm soát giảm nhẹ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Lãi suất có xu hướng tăng nhẹ vào cuối năm song mức tăng không đáng kể. Dự kiến trong năm 2019, chính sách tiền tệ sẽ vẫn theo xu hướng thận trọng. “Chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế vẫn được duy trì trong 2019. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định với lạm phát, mặt bằng lãi suất và tỷ giá được giữ ổn định trong khi cán cân thanh toán thặng dư hỗ trợ dự trữ ngoại hối gia tăng”, MBS nêu dự báo.
Cũng theo MBS, dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỷ USD), khi NHNN kịp thời mua vào 11 tỷ USD trong năm 2018 tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá. Trong năm 2019, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định. “NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý”, MBS phân tích thêm. Ngoài ra, USD nhiều khả năng giảm nhẹ trong năm 2019 khi nền kinh tế Mỹ đã tạo đỉnh tăng trưởng trong năm 2018 khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Ðiều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, MBS đánh giá NHNN sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá trong năm 2019 khoảng 1,5 đến 2% nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN): Ðánh giá của các TCTD trong năm 2018 và dự kiến năm 2019 cho thấy, môi trường kinh doanh của các TCTD đã và đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có sự gia tăng nhanh trong năm 2018 và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2019, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất. Dự báo trong năm 2019, 77,6% số TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng so với năm 2018, trong đó nhu cầu vay vốn được phần lớn các TCTD (80,7%) kỳ vọng tăng mạnh, tiếp đến là nhu cầu gửi tiền, dịch vụ thanh toán với mức kỳ vọng lần lượt là 66% và 64%. Ðồng thời, phần lớn các TCTD cũng kỳ vọng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cả năm 2019 tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng xu hướng giảm trong năm 2019.
Bứt phá lợi nhuận
Bên cạnh những kỳ vọng khả quan về thanh khoản, tỷ giá, lãi suất,… trên cơ sở các yếu tố khách quan và chủ quan, 86% số TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình được cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017 và dự báo trong năm 2019, khoảng 88% số TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% số TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện nhiều”.
Có thể nói, tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh của các TCTD một phần xuất phát từ việc năm 2018 khép lại với kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã có sự bứt phá về lợi nhuận. Hầu hết các TCTD đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Lợi nhuận của Vietcombank đạt mức kỷ lục, đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm 2017, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, thực hiện 120,1% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng của BIDV đạt hơn 8.950 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8%. Ðáng chú ý, năm 2018 cũng ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục về lợi nhuận của các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đó, ngân hàng Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế gần 10.700 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước và vượt 6,61% kế hoạch đề ra; chỉ đứng sau Vietcombank trong hệ thống các TCTD Việt Nam. Ngân hàng VPBank cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm trước…
Sự tăng trưởng cao về lợi nhuận trong năm 2018 đang mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019, nhưng đồng thời cũng đem tới áp lực, thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 14% (thấp nhất trong 5 năm trở lại đây) sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của các TCTD khi thực tế tín dụng vẫn đóng góp tới hơn 70% tổng nguồn thu của các nhà băng. Do vậy, để có thể duy trì lợi nhuận ở mức cao như đã đạt được, buộc các ngân hàng phải có sự bứt tốc, có các giải pháp mạnh mẽ như cơ cấu lại danh mục cho vay để cải thiện tốc độ sinh lời, đẩy mạnh tăng trưởng mảng dịch vụ để giảm phụ thuộc tín dụng,…
Thách thức lớn đặt ra trong lúc này với toàn hệ thống VietinBank là nâng cao năng lực tài chính. Nhiều năm trở lại đây, ngân hàng đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng vốn tự có. Nhưng các biện pháp thực hiện đã được khai thác tới hạn, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã ở mức tối thiểu (64,46%), tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài đã đạt tới 30%, do đó để nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ bảo đảm an toàn, VietinBank rất mong muốn được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ. Lê Ðức Thọ Chủ tịch HÐQT VietinBank |
Theo Nhandan
Ý kiến ()