Triển vọng nào cho xuất khẩu gạo năm 2020?
Lộc Trời tập trung sản xuất gạo chất lượng cao, đóng bao nhỏ để tăng XK.
Cơ hội từ các FTA
Là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo hàng đầu, nhiều năm nay, Tập đoàn Lộc Trời đã đẩy mạnh sản xuất và XK gạo bền vững bằng cách xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc kinh doanh lương thực Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Tập đoàn đã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các cánh đồng lớn ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ sư ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân). Bên cạnh đó, liên kết chặt với các hợp tác xã kiểu mới, kiểm soát chặt quy trình từ khâu trồng trọt đến phân loại lúa khi thu hoạch, chế biến tại nhà máy và XK gạo.
Với định hướng chỉ XK gạo chất lượng và độ thuần cao, Lộc Trời đã từng bước giảm dần gạo đóng bao 25 hoặc 50 kg, chủ yếu đưa ra sản phẩm đóng gói 5 – 10 kg. Đây là lý do giúp Lộc Trời ngày càng mở rộng được thị trường và nâng cao kim ngạch XK trong suốt thời gian qua.
Về cơ hội thị trường khi FTA Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “EVFTA có hiệu lực có thể không khiến kim ngạch XK gạo tăng đột biến, song sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo XK. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác”.
Giống như Lộc Trời, nhiều DN XK gạo đang kỳ vọng mở rộng thị trường trong năm 2020 sau năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, năm 2019 Việt Nam XK 6,37 triệu tấn gạo, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng và giảm 8,3% giá trị.
Tuy nhiên, bước vào tháng đầu tiên của năm 2020, tình hình XK gạo đang có dấu hiệu khả quan hơn. Cụ thể, dù rơi vào thời điểm nghỉ Tết nhưng XK gạo tháng 1-2020 vẫn đạt 559,61 nghìn tấn, trị giá 270,26 triệu USD, tăng 28,05% về lượng và 38,38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
XK gạo cũng có nhiều khả năng tăng trưởng tốt trong các tháng tới khi theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines – thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ thểm, năm 2020, triển vọng XK gạo là khá tốt khi tiêu thụ tại châu Phi tương đối khả quan.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam có một số thuận lợi do các FTA đã đi vào thực thi. Cụ thể, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và XK.
Với thị trường EU, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở hạn ngạch khoảng 40 nghìn tấn gạo (trong tổng số 85 nghìn tấn hạn ngạch theo cam kết)… Đây là cơ hội để nhiều loại gạo của Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ vào được thị trường này.
Ngoài ra, sau hơn một năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, Bộ Công thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, nâng con số thương nhân XK gạo lên 182 thương nhân, mở ra cơ hội cho nhiều DN cùng được tham gia XK gạo trong bối cảnh nhiều FTA đã và đang chuẩn bị có hiệu lực.
Không chủ quan
Cơ hội là có, song khó khăn chưa kết thúc. Trước mắt, tình trạng hạn mặn xảy ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo. Trong tháng 2-2020, các DN vẫn chưa có hợp đồng tập trung nào lớn. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp đã và đang tác động mạnh đến hoạt động XK gạo khi các giao dịch XK gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, ở góc độ tích cực, do từ vài năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp để trở thành quốc gia XK gạo nên tình hình dịch bệnh cũng khiến lượng cung gạo từ Trung Quốc giảm đi, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường XK mà gạo Trung Quốc để lại.
Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK gạo trong năm 2020, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh lưu ý, các DN chú ý khi ký kết hợp đồng phải có điều khoản bảo hiểm, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, DN phải tập trung giữ vững thị trường Philippines, đáp ứng những tiêu chuẩn của họ đưa ra.
Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ thêm, ngành gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh. Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Hiệu ứng từ gạo ST25 đã khiến loại gạo ST24 của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được quan tâm, tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá thành được đẩy giá lên rất cao từ 22 ngàn đồng/kg lên 34.000 – 35.000 đồng/kg. Chính vì thế, DN cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới, cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao, thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp.
Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được khuyến cáo cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, XK nhằm ổn định hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân.
Ý kiến ()