Triển vọng nâng cao vị thế của Trung Đông trên thị trường năng lượng châu Âu
Khi quay lưng lại với năng lượng Nga, châu Âu buộc phải tăng cường tìm kiếm các nguồn cung cấp nhiên liệu khác. Điều đó tạo cơ hội cho Trung Đông nâng cao vị thế trên thị trường năng lượng “lục địa già”.
Thông tin về lệnh cấm mới đã gây ra những thay đổi lớn trong giao dịch dầu diesel toàn cầu. Trước khi nguồn cung từ Nga bị cắt đứt, châu Âu đã gấp rút dự trữ dầu diesel, thậm chí tăng mua từ Moscow, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu vốn là huyết mạch cho các ngành nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và vận tải. Theo công ty phân tích Vortexa, nhập khẩu dầu diesel từ Nga của châu Âu đạt trung bình 770.000 thùng mỗi ngày trong tháng 1 năm nay, cao nhất kể từ tháng 3-2021.
Nhà máy lọc dầu Al-Zour ở Kuwait. Ảnh: Getty Images |
Cùng kỳ, xuất khẩu dầu thô cùng với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel của Trung Đông cũng tăng mạnh, khi EU tìm kiếm các nhà cung cấp mới thay thế Nga. Dữ liệu của công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu Kpler cho thấy, trong 12 ngày đầu năm, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã xuất khẩu 133.000 thùng dầu/ngày và các sản phẩm liên quan sang châu Âu, phá kỷ lục tháng 1 hằng năm kể từ năm 2017. Cũng trong thời gian này, Saudi Arabia đã xuất khẩu 282.000 thùng/ngày, vượt qua mức tháng 1 hằng năm kể từ năm 2019.
Lệnh cấm dầu diesel từ Nga của EU được đưa ra vào thời điểm các quốc gia vùng Vịnh đã và đang chuẩn bị mở cửa một loạt nhà máy lọc dầu lớn mới. Tại Kuwait, nhà máy lọc dầu Al-Zour mới đã đi vào hoạt động. Được đánh giá là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới, cơ sở này có khả năng xử lý 615.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi hoạt động hết công suất.
Theo công ty Kpler, xuất khẩu dầu diesel từ Kuwait sang châu Âu ở mức 59.000 thùng/ngày tính đến ngày 12-1, gần gấp 3 lần mức của cả tháng 1-2022 và cao hơn khoảng 900% so với tháng 1-2021. Doanh số bán dầu diesel của Kuwait sang châu Âu trong 12 ngày đầu tháng 1 cho thấy các nhà sản xuất vùng Vịnh đã tận dụng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu. Saudi Arabia cũng đang tăng cường năng lực sản xuất ở nhà máy lọc dầu Jazan. Dự kiến, cơ sở này sẽ sản xuất hơn 200.000 thùng dầu diesel mỗi ngày khi đạt công suất tối đa vào cuối năm nay. Nhà máy lọc dầu Duqm của Oman cũng dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023.
Các quốc gia Trung Đông đã chuyển hướng tập trung bán các sản phẩm dầu mỏ sang châu Âu khi khu vực này tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trong khi đó, Moscow chú trọng vào các khách hàng truyền thống của mình ở châu Á. Sự đảo chiều trong hoạt động thương mại năng lượng là kết quả của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Gregory Gause, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Texas A&M của Mỹ, đánh giá các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh được lợi lớn trong “cuộc ly hôn” năng lượng giữa châu Âu và Nga. Theo ông Gause, các lệnh cấm sản phẩm dầu mỏ từ Moscow của EU giúp củng cố vị thế của Trung Đông như một trụ cột trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Dù vậy, Trung Đông khó có thể nhanh chóng giải “cơn khát” dầu của châu Âu. Các nhà phân tích cảnh báo, bất chấp nguồn cung từ Trung Đông gia tăng, châu Âu sẽ phải tìm đến các nhà cung cấp nhiên liệu khác như Mỹ và Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống do Nga để lại. Nhập khẩu dầu diesel từ Trung Đông vào châu Âu đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái ở mức 500.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn lượng nhập khẩu dầu diesel thường xuyên từ Nga của châu Âu. Về phần mình, nhà phân tích hàng đầu Jay Maroo tại công ty phân tích năng lượng Vortexa nhận định, để thay thế hoàn toàn dầu diesel từ Nga sang châu Âu, Trung Đông cần có sự chuyển hướng phân phối lượng lớn dầu xuất khẩu khỏi các nơi tiếp nhận khác.
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trien-vong-nang-cao-vi-the-cua-trung-dong-tren-thi-truong-nang-luong-chau-au-717786
Ý kiến ()