Triển vọng mới từ phát triển thương mại biên giới
LSO-Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2012, kim ngạch từ các hoạt động thương mại biên giới đạt 2,2 tỷ USD. Năm 2013, hoạt động thương mại biên giới đạt 2,417 tỷ USD. Điều này cho thấy, cho dù phải đối mặt với thách thức, song, tỉnh Lạng Sơn vẫn nỗ lực khai thác các hoạt động thương mại biên giới, qua đó đã gặt hái được một số thành quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Lạng Sơn có nhiều lợi thế trong việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Trong nhiều năm qua, phát triển thương mại – dịch vụ, trong đó có các hoạt động thương mại biên giới luôn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn.
Bốc xếp hàng hóa tại cửa khẩu Nà Nưa, huyện Tràng Định |
Theo thống kê, tỷ trọng các ngành tại khu kinh tế cửa khẩu là: thương mại – dịch vụ chiếm 61%, công nghiệp – xây dựng là 28,9%, nông, lâm nghiệp chỉ có 10,1%. Chính sự chuyển dịch nghiêng theo hướng thương mại – dịch vụ đã góp phần không nhỏ vào cơ cấu GDP của toàn tỉnh, năm 2013 đạt khoảng 47%. Ngoài ra, sự phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu trong những năm qua cũng từng bước thu hút nguồn đầu tư từ xã hội, trung bình mỗi năm thu hút được trên 5.000 tỷ đồng.
Thực tế, trong năm qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường thông thoáng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; tăng cường cải cách, công khai minh bạch thủ tục hành chính; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của Khu KTCK và các khu cửa khẩu, mở thêm một số điểm XNK hàng hóa ở những nơi có đủ điều kiện như: Co Sâu, Bình Nghi, Pò Nhùng…; giải quyết kịp thời việc ách tác hàng hóa cục bộ ở một số cửa khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đến hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn. Chính vậy, năm 2013, cán cân thương mại quốc tế ở Lạng Sơn đã chuyển dịch một cách rõ nét (kim ngạch xuất siêu tăng trên 10%). Tổng kim ngạch XNK qua khu vực kinh tế cửa khẩu xếp thứ 2 so với các khu kinh tế trong cả nước (sau khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái).
Có thể khẳng định rằng, đạt được những kết quả như vậy là do tỉnh đã có nhiều đối sách về hợp tác thương mại hợp lý đối với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Hợp tác kinh tế thương mại giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) trong những năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân khu vực biên giới của tỉnh. Hoạt động thương mại biên giới phát triển góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác kỹ thuật, XNK, dịch vụ tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu qua biên giới. Thời gian qua, 2 địa phương của 2 nước cũng đã kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại biên giới và đang tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các cửa khẩu.
Theo thống kê, Lạng Sơn đứng thứ 2/37 tỉnh có đường biên giới trên toàn quốc (sau tỉnh Quảng Ninh) về giá trị các hoạt động thương mại biên giới. Để phát huy thế mạnh này, theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại qua biên giới, hợp tác kinh tế đối ngoại… thông qua các cuộc hội đàm, hội thảo và trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa 2 địa phương của 2 nước. Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ thường xuyên tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là phải nhanh chóng triển khai hợp tác xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Lạng Sơn là đến năm 2015, tổng kim ngạch XNK giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đạt 3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hải, chúng ta có thể đạt được ngay trong năm 2014 nếu phát huy hiệu quả thế mạnh từ Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn và từ các khu cửa khẩu trên toàn địa bàn tỉnh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()