Triển vọng mới
LSO-Với cách làm chuyên nghiệp, phù hợp thực tiễn, các mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từ đó tiếp tục mở ra triển vọng phát triển sản xuất rau an toàn (RAT) trên địa bàn.
Thu hoạch rau màu tại HTX Nà Chuông, xã Mai Pha |
Cách làm hiệu quả
Nói đến cách làm của những mô hình sản xuất RAT ở thành phố, trước tiên phải nói đến vai trò của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Không giống các hộ trồng rau ở nhiều nơi khác, mạnh nhà nào, nhà đấy làm. Trên địa bàn thành phố, các vùng trồng rau tập trung ở thôn Nà Chuông, Rọ Phải, Pò Đứa, Pò Mỏ (xã Mai Pha); thôn Vỹ Hạ (xã Hoàng Đồng); xã Quảng Lạc, phường Đông Kinh…, các hộ dân phần lớn đều tham gia vào HTX hoặc THT. Ông Hoàng Văn Thịnh, HTX dịch vụ Nà Chuông chia sẻ: Việc tham gia hợp tác như vậy vừa đảm bảo sự tập trung đầu tư sản xuất lại có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc rau và một ưu điểm rõ rệt hơn nữa chính là thị trường tiêu thụ được đảm bảo, mở rộng. Cụ thể như ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Rọ Phải, với khoảng 6,7 ha diện tích trồng rau cho thu hoạch từ 60-80 tấn/năm với giá bán bình quân khoảng 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm, lợi nhuận HTX thu về gần 400 triệu đồng. Nếu chia ra cho các thành viên, lợi nhuận vẫn cao hơn hẳn so với mỗi hộ làm riêng rẽ.
Cơ hội phát triển
Theo số liệu khảo sát của Liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn, trung bình mỗi năm, trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 12.000 tấn rau. Trong khi ddos, sản xuất rau trên địa bàn mới đảm bảo được 30% và trong số này, sản phẩm RAT mới chiếm khoảng ½ (trên 2.000 tấn), đó là chưa kể gần đây, Liên hiệp HTX đang mở rộng tiêu thụ xuống thị trường Hà Nội. Chính vì vậy, việc nhân rộng các mô hình trồng RAT trên địa bàn thành phố đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Ông Phạm Đình Duy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Nếu như năm 2007, diện tích chuyên canh sản xuất RAT trên địa bàn thành phố là 3 ha thì đến nay diện tích đã được mở rộng lên thành 14 ha, trong đó 5,7 ha đã được cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT theo quy định.
Để tạo điều kiện phát triển các mô hình trồng RAT, thành phố đã có những việc làm cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn, mở nhiều lớp dạy nghề sản xuất RAT cho các ban quản trị HTX, thành viên và tổ nhóm sản xuất. Tập trung sản xuất RAT theo quy trình VietGap, trong đó tập trung một số loại rau đặc sản an toàn như: cải ngồng, cải hoa vàng, cải làn, cải bao, đậu đỗ, cà chua… Mở các cửa hàng để quảng bá và bán sản phẩm RAT tại các địa điểm thuận lợi như khu vực chợ Đông Kinh, chợ Chi Lăng. Ngoài ra, để nâng cao kiến thức về sản xuất RAT, thành phố còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hội thi RAT, tham quan, tìm hiểu những mô hình mới, cách làm hay để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Với sự nỗ lực cộng với những cách làm cụ thể, phù hợp, sản xuất RAT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả cho người trồng rau trên địa bàn.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()