Triển vọng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại huyện Bắc Sơn
– Trong những năm gần đây, bên cạnh phát triển các loài cá bản địa, ngành thủy sản đã quan tâm đến việc nhập nội các loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như: cá tầm, cá hồi, cá trắng… Các đối tượng nuôi mới này được chứng minh là có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều vùng miền nước ta, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước lạnh.
Cá tầm nuôi trong hệ thống nước tuần hoàn tại huyện Bắc Sơn
Cá tầm Siberi là loài có tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị dinh dưỡng (thịt, trứng) cao, tính thích nghi rộng, phù hợp với tập quán tiêu dùng, giá trị thương phẩm cao. Cá tầm Siberi là đối tượng thích hợp nuôi theo các hình thức: nuôi công nghiệp (nước tuần hoàn) nuôi ao nước chảy và nuôi lồng hồ chứa. Theo các nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của cá tầm: cá tầm có thịt trắng, dai, có thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và dễ tiêu hoá. Thịt cá chứa nhiều vitamin A, phốt-pho, selen và vitamin B6, B12 đặc biệt là omega 3 và omega 6. Hàm lượng DHA trong 100 gr thịt cá là khoảng 0,54 gr, tinh chất DHA có tên gọi đầy đủ là Docosa Hexaenoic Aacid, một acid béo thuộc nhóm omega 3 và omega 6. Đây là một chất rất quan trọng nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm rất tốt cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Ngoài ra, cá tầm còn cung cấp hàm lượng đáng kể Protein, Niacin và Vitamin 12, những dưỡng chất có lợi cho hoạt động của cơ thể và bộ não của con người. Có thể nói cá tầm là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tất cả mọi lứa tuổi trong gia đình. Hàm lượng Vitamin A, omega 3 và omega 6 trong cá tầm rất tốt cho làn da và mái tóc của chị em phụ nữ. Ngoài ra, sụn cá tầm còn được sử dụng để bào chế ra các loại thuốc có lợi cho xương khớp, giúp phát triển chiều cao của trẻ em và phục hồi các khớp xương của người già.
Qua khảo sát chất lượng nguồn nước tại thôn Hoan Trung, Chiến Thắng, Bắc Sơn từ tháng 1-12 năm 2019 cho thấy nhiệt độ nước dưới 22,50C; độ pH từ 7,0-7,8 trữ lượng nước lớn. Với kết quả như vậy rất phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cá tầm Siberi (chỉ số thích hợp để nuôi cá tầm nhiệt độ từ 20-250C, pH 6,5-8,5).
Năm 2020, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bắc Sơn đã thực hiện dự án khoa học “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn; sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với Du lịch sinh thái tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn” đơn vị chủ trì thực hiện là (Tên viết tắt: Công ty Bắc Sơn)
Dự án thực hiện với mục tiêu: Xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn bể xi măng với quy mô tập trung > 150 m³; cá tầm giống cỡ trung bình 250 g/con, tỷ lệ sống > 70%, năng suất 35 – 40 kg/m³, sản lượng đạt > 6,0 tấn cá tầm; xây dựng được mô hình sơ chế, chế biến cá tầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ tại thị trường; chuyển giao, đào tạo được 5 kỹ thuật viên và tập huấn cho 25 hộ nông dân tại địa phương về kỹ thuật nuôi cá tầm.
Kết quả, sau hai năm thực hiện Công ty Bắc Sơn đã xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống nước tuần hoàn (RAS) với quy mô 2.000 con, cá giống thả 250 g/con đến nay trong lượng trung bình đạt 4,8 kg/con, tỷ lệ sống dự kiến đạt > 90%. Sản lượng dự kiến đạt > 6,0 tấn. Công ty đã liên kết với các điểm du lịch sinh thái Mỏ Mắm, vườn quý Hang Hú, hang Phượng Hoàng và các doanh nghiệp, đại lý tiêu thụ cá tầm thực hiện sơ chế, chế biến và tiêu thụ cá tầm. Giá bán cá nguyên con sống chưa chế biến hiện dao động ở mức 250.000 – 350.000 đ/kg
Ông Dương Thời Điều, nhân viên tại khu du lịch Mỏ Mắm cho biết: Hiện nay, do nhu cầu du lịch của người dân ngày càng cao, tại các điểm du lịch của huyện Bắc Sơn lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, lượng cá tiêu thụ từ 1-2 tạ cá/ngày.
Ông Nguyễn Tất Đắc, Giám đốc Công ty Bắc Sơn cho biết: Công ty tiếp tục sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tầm để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên hiện nay, việc sản xuất giống cá tầm còn khó khăn, chủ yếu phải nhập khẩu trứng cá tầm từ nước ngoài về để ương giống nên giá thành con giống cao. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của nhà nước để tiếp tục nghiên cứu sản xuất trứng cá tầm phục vụ cho công tác sản xuất cá giống.
Dự án ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn, gắn với du lịch sinh thái tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn bước đầu cho thấy có hiệu quả về kinh tế, tạo thêm sản phẩm mới dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ý kiến ()