Triển vọng kinh tế từ trồng khoai lang giống mới
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ hướng dẫn nông dân huyện Lộc Bình trồng và chăm sóc khoai lang giống mới |
Khoai lang là đặc sản của huyện Lộc Bình, đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Chỉ tính riêng năm 2017, diện tích khoai lang toàn huyện là gần 590 ha, sản lượng đạt trên 4.100 tấn, tổng thu nhập từ cây khoai lang đạt khoảng 40 tỷ đồng. Điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp cho cây khoai lang sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên, diện tích và sản lượng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Nguyên nhân là do các giống khoai lang cũ do bà con tự để giống, qua nhiều năm đang dần bị thoái hóa. Cùng với đó, nông dân chưa chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng củ bị giảm đáng kể.
Nhằm giúp nông dân chọn được bộ giống có năng suất, chất lượng cao, từ đó, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ xây dựng mô hình trồng khoai lang giống mới cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Lộc Bình. Theo đó, các đơn vị phối hợp cung cấp 4 giống khoai lang cho nông dân gồm: giống Hoàng Long, giống KLC3, giống K20 – 209, giống Nhật mới; thí điểm trồng 9,6 ha tại 7 thôn của 2 xã: Tú Đoạn và Lục Thôn với trên 180 hộ tham gia.
Bên cạnh việc đưa giống khoai lang về các xã cho nông dân, ngành chức năng huyện Lộc Bình còn phối hợp với cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ hướng dẫn cho nông dân phương pháp trồng và chăm sóc các giống khoai lang mới. Anh Lộc Văn Na, thôn Pò Lèn A, xã Lục Thôn cho biết: Thời điểm trồng khoai thích hợp khoảng tháng 8, tháng 9. Các loại khoai giống mới phù hợp với đất có thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu. Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển cần bấm ngọn khi dây dài 35 cm đến 40 cm, tránh cho thân chính vươn dài. Thường xuyên nhấc dây nhằm hạn chế sự phát triển của rễ phụ. Định kỳ 2 đến 3 ngày tưới nước giữ cho đất có độ ẩm thích hợp. Đặc biệt phải vun cao luống và phủ kín gốc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của củ và phòng tránh bọ hà đẻ trứng. Trong thời gian 120 ngày sinh trưởng và phát triển cần bón phân làm 3 đợt: bón lót trước khi trồng, bón thúc lần 1 sau trồng khoảng 20 ngày, bón thúc lần 2 sau trồng 40 ngày, trong đó, ưu tiên phân chuồng được ủ hoai mục.
Khoai lang giống mới cho thu hoạch sau 110 đến 120 ngày trồng và chăm sóc. Trong 4 giống trồng thí điểm thì khoai Hoàng Long và khoai lang Nhật có thời gian sinh trưởng, đầu tư giống, phân bón ngang bằng với giống khoai nghệ địa phương. Nhưng 2 giống này không nhiễm bệnh nên chi phí bảo vệ thực vật thấp, nhất là giá bán cao hơn, được người tiêu dùng ưa thích. Thời gian vừa qua, giá khoai Hoàng Long và khoai Nhật dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg – cao hơn giống khoai nghệ địa phương. Chị Dương Thị Thu Hằng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Qua đối chứng, mỗi sào khoai giống mới cho thu nhập cao hơn khoai nghệ địa phương 678.000 đồng, tương đương 18.700.000 đồng/ha. Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất còn cao hơn. Về chất lượng, khoai giống mới có ưu điểm nổi trội như: bở hơn, ngọt, ít xơ hoặc không xơ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt…
Thời gian tới, ngành chức năng huyện Lộc Bình sẽ tiếp tục nhân rộng giống Hoàng Long và giống khoai Nhật, đồng thời chủ động hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… cho cây khoai lang. Từ đó dần thay thế giống khoai địa phương đang thoái hóa, đồng thời xây dựng nhãn hiệu tập thể cho khoai lang của huyện Lộc Bình.
Ý kiến ()