Triển vọng kinh tế từ gà 6 ngón
Kỹ sư Trịnh Duy Hưng (bên trái) kiểm tra các chỉ số phát triển của gà 6 ngón nuôi tại các hộ gia đình |
Gà 6 ngón được nhiều người ưa chuộng, tìm mua song thời gian qua, giống gà này chủ yếu được bà con các xã: Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chăn thả tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Với mục tiêu chăn nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn theo hướng sản xuất tập trung thành sản phẩm hàng hóa, bảo tồn, phát triển giống gà quý đồng thời giúp nông dân tăng thêm thu nhập, từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2018, kỹ sư Trịnh Duy Hưng, cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn tại tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai tại 5 hộ gia đình và 1 trung tâm tại thành phố Lạng Sơn và các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình.
Để nuôi gà 6 ngón cần có chuồng nuôi xây dựng chắc chắn, có mái lợp, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, không bị gió lùa. Diện tích tối thiểu là 50 m2, đảm bảo có sân chơi cho gà, cùng đó, cần có ít nhất 1 nhân lực thực hiện chăn nuôi gà. Gà được nhập về và đưa vào chuồng nuôi khi đạt 21 ngày tuổi. Trước khi đưa gà vào chuồng, chuồng trại và các dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi phải được vệ sinh, sát trùng. Giai đoạn hậu bị (21 ngày – 19 tuần tuổi) nuôi nhốt gà trong chuồng hở, có đệm lót. Sử dụng trấu đã phun thuốc sát trùng và phơi khô để làm đệm lót. Quây bạt xung quanh chuồng, sử dụng đèn sưởi, chụp sưởi đảm bảo cho gà ấm vào mùa đông. Mùa hè, sử dụng hệ thống phun nước làm mát trên mái chuồng. Để hở chuồng vào ban ngày tạo độ thông thoáng. Mật độ nuôi 10 – 12 con/m2.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong 1 tuần đầu cho gà ăn, uống bằng máng tròn, các máng xếp xen kẽ nhau quanh chụp sưởi. Từ 4 tuần tuổi gà được cho ăn theo nhu cầu, cho ăn cả ngày và đêm để gà phát triển đồng đều. Thức ăn gồm cám gà tổng hợp kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như bột ngô, khoai, sắn, rau xanh… Khối lượng cần đạt lúc 4 tuần tuổi từ 300 – 400 gram. Gà đến 9 tuần tuổi cho ăn hạn chế để điều chỉnh khối lượng con mái khi vào giai đoạn đẻ. Lượng thức ăn thu nhận bình quân khoảng 140 gram/con/ngày. Tiến hành giãn gà với mật độ 5 – 6 con/m2. Gà 6 ngón ở giai đoạn 19 tuần tuổi cần đạt khối lượng từ 1,8 kg trở lên. Khi gà đạt 20 tuần tuổi, thức ăn tiêu tốn gần 200 gram/con/ngày. Tuổi đẻ đạt đỉnh cao của gà 6 ngón từ 28 đến 32 tuần tuổi, tỷ lệ đẻ đạt trên 52%, năng suất 0,51 trứng/ngày.
Để đạt trọng lượng thương phẩm đến giai đoạn 26 tuần tuổi khoảng 1,8 kg, lượng thức ăn tiêu thụ cho gà 6 ngón là 10,2 kg/con. Theo anh Hưng, với mỗi mô hình số lượng nuôi là 100 con, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh… hết từ 13,4 – 15,5 triệu đồng, sẽ cho lợi nhuận từ 4,1 – 11,2 triệu đồng/mô hình tùy thuộc vào tỷ lệ sống của gà, lượng thức ăn tiêu tốn. So sánh cho thấy tốc độ sinh trưởng, phát triển của gà 6 ngón Mẫu Sơn tương đương với các giống gà khác như: gà ri, gà mía, Lương Phượng… Đặc biệt, gà 6 ngón thiên về hướng kiêm dụng, vừa có thể nuôi lấy thịt, lấy trứng và gây giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gà 6 ngón Mẫu Sơn là giống bản địa nên khả năng sinh trưởng, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu tỉnh Lạng Sơn. Cùng đó, thị trường đang có nhu cầu rất cao về giống gà này, chính vì vậy, giá gà 6 ngón thường có sự chênh lệch từ 50 – 100 nghìn đồng/kg so với các giống gà khác. Nếu nuôi theo hướng trứng thì cùng tiêu tốn lượng thức ăn như các loại gà khác song trứng gà 6 ngón luôn ở mức cao – khoảng 5.000 đồng/quả. Chính vì vậy, đây là một hướng chăn nuôi mới cho nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, phát triển. Như vậy, không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn bảo tồn nguồn gen quý của giống gà 6 ngón Mẫu Sơn.
Ý kiến ()