Triển vọng kinh tế từ chăn nuôi thỏ
LSO-Hiện nay, khi nghề chăn nuôi ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn về chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ thì ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, nhiều xã viên đang nhân giống và phát triển đàn thỏ giống New Zealand cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng kinh tế mới từ chăn nuôi thỏ.
Anh Hoàng Văn Định, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh chăm sóc thỏ giống |
Người đầu tiên đưa giống thỏ mới về nuôi tại xã Trấn Yên là anh Hoàng Văn Định, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh. Bằng sự năng động, hoạt bát và tâm huyết với nghề chăn nuôi, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao.
Để làm được điều đó, anh đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi một số mô hình giống thỏ New Zealand ở các tỉnh như: Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang… Nhận thấy nuôi thỏ có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương, đầu năm 2016, anh quyết định nuôi thử nghiệm 65 con thỏ giống bố, mẹ. Với hơn 400 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị và thỏ giống, chỉ sau 8 tháng, nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên đàn thỏ phát triển tốt, sinh sản được trên 1.000 con. Tháng 2/2017, HTX xuất bán lô hàng đầu tiên cho Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản.
Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Hoàng Văn Định cho biết: Giống thỏ New Zealand là loại thỏ rất dễ nuôi, chủ yếu chăn cám công nghiệp và bổ sung rau cỏ, củ, quả. Bên cạnh đó thì vốn đầu tư nuôi thỏ thấp, quay vòng nhanh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi hộ gia đình. Một năm thỏ mẹ có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 con. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, trọng lượng đạt từ 2,3 – 2,7 kg, giá bán trung bình là 75.000 – 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi có thu nhập khá cao.
Tìm hiểu được biết, HTX Nông nghiệp xanh được thành lập từ tháng 5/2016, với ban đầu 8 thành viên, đến nay đã có 16 thành viên tham gia nuôi thỏ, các thành viên trong HTX không chỉ ở xã Trấn Yên mà còn mở rộng ra các xã như: Vũ Lăng, Chiến Thắng, Tân Lập…, hộ nuôi ít thì vài chục nái, hộ nuôi nhiều thì lên đến 1.000 nái thỏ. Thu nhập trung bình đạt từ 50 đến 200 triệu đồng mỗi năm.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở xã Vũ Lăng, thời gian đầu nuôi 20 nái thỏ, sau khi thấy hiệu quả kinh tế, anh chủ động nhân giống, đến nay, anh đã có trên 50 nái thỏ, cung cấp cả thỏ giống cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu và thỏ thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh cho biết: Tôi nuôi thỏ được gần 1 năm nay, mỗi tháng xuất bán trên 10 con thỏ, với 1 nái thỏ có thể thu lãi từ 2 – 3 triệu đồng/năm. Hiện với 50 nái thỏ, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện tôi đang xây dựng chuồng trại và dự kiến nhân rộng lên khoảng 200 nái thỏ nữa.
Hiện nay, thịt thỏ thương phẩm không chỉ bán ra các nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn mà với những con thỏ đạt tiêu chuẩn được Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản thu mua. Từ khi thành lập đến nay, các hộ nuôi thỏ của HTX đã xuất bán ra thị trường được trên 3.000 con, với giá bán trung bình từ 75.000 – 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo anh Hoàng Văn Định, nuôi thỏ sinh sản là mô hình còn mới đối với Lạng Sơn, qua tìm hiểu của HTX, hiện cả tỉnh chỉ có khoảng 4 mô hình nhưng quy mô nhỏ với khoảng trên dưới 200 con. Mục tiêu của HTX là nâng cấp quy mô chuồng trại và liên kết với các mô hình khác nhằm nâng tổng số con giống lên trên 2.000 con, hướng đến ký hợp đồng lâu dài với công ty của Nhật Bản.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Tuy mới thành lập nhưng hiệu quả ban đầu ở HTX Nông nghiệp xanh đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Qua đó góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()