Triển vọng kinh tế từ cây dược liệu
– Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đã chủ động phát triển các mô hình trồng cây dược liệu. Đến nay, các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn và bảo tồn nguồn giống cây dược liệu quý.
Người dân thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc chăm sóc cây trà hoa vàng
Trước đây, các loại cây dược liệu thường mọc tự nhiên ở khu vực đồi núi, khe suối có độ ẩm cao, trước nhu cầu của thị trường, từ năm 2013, người dân bắt đầu đưa về trồng và chăm sóc. Khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích dần được mở rộng.
Bà Hoàng Thị Dung, thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng từ trên núi về trồng. Bà Dung cho biết: Trước đây, trà hoa vàng chủ yếu mọc ở trong rừng, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với loại cây này ngày càng lớn, trong khi lượng cây ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, từ năm 2013, gia đình tôi bắt đầu nhân giống trồng. Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm 300 cây, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt nên tôi tiếp tục mở rộng trồng 2.000 cây. Hiện nay, diện tích này đã cho thu hoạch năm thứ tư, giá bán từ 600 đến 700 nghìn đồng/kg hoa tươi và 3,2 đến 3,3 triệu đồng/kg hoa khô. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được khoảng 2 đến 3 tấn, giá trị đạt trên 120 triệu đồng.
Không chỉ hộ bà Dung, nhận thấy các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế, người dân tại một số xã trên địa bàn huyện cũng bắt đầu đem về trồng. Ông Lý Quang Ngọc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lợi Bác cho biết: Từ năm 2014, mộ số hộ dân đã đưa các loài cây dược liệu như: trà hoa vàng, cát sâm về trồng. Thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát triển kinh tế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng, chỉ đạo các tổ chức, hội đoàn thể xã tuyên truyền người dân tận dụng đồi rừng để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Hiện nay, toàn xã có 5 ha trà hoa vàng và 18 ha cát sâm; các hộ trồng trà hoa vàng số lượng trên 1.000 cây có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, hiện nay, toàn huyện có khoảng 50 ha cây dược liệu gồm: trà hoa vàng, cát sâm, sa nhân, chủ yếu được bà con trồng tại các xã: Ái Quốc, Lợi Bác, Sàn Viên, Đông Quan. Qua đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, các mô hình trồng dược liệu cho thu nhập đạt từ 40 triệu đến trên 100 triệu đồng/năm (tuỳ theo quy mô diện tích).
Để phát triển dược liệu trên địa bàn, hằng năm, Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho bà con. Đơn cử, từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép 145 cuộc cho 6.288 lượt người tham gia, trong đó có nội dung phát triển cây dược liệu.
Đặc biệt, triển khai Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/ 2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08, đến đầu năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã tiếp nhận hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ cho 1 chủ thể vay vốn trồng các loại cây dược liệu với kinh phí 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đầu năm 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện đã triển khai hỗ trợ trồng mới 3 ha sa nhân dưới tán rừng thông tại xã Lợi Bác với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Theo đó, phòng hỗ trợ phân bón, cây giống và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian qua, các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, cát sâm, sa nhân được bà con đưa về trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian tới, phòng tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân tận dụng những diện tích vườn, đồi, đặc biệt là dưới tán rừng để tăng hệ số sử dụng đất, góp phần vừa bảo tồn nguồn giống cây dược liệu, vừa tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()