LSO-Là loại cây mọc tự nhiên, chanh rừng, chủ yếu được hái về để phục vụ sinh hoạt gia đình, ít người nghĩ đến chuyện làm giàu từ nó. Vài năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đã mạnh dạn đưa cây chanh rừng về trồng và thu được lợi nhuận khá cao. Anh Dương Dì Mình chăm sóc cây chanh rừngXã Công Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Toàn xã có 250 hộ dân, trong đó 99,5% dân số là bà con dân tộc Dao, đời sống của người dân còn rất khó khăn, bởi đất đai chủ yếu là đồi núi khô cằn, đất nông nghiệp ít nên việc tìm cây trồng thích hợp và cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất này là rất khó. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tìm ra được cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây, đó là cây chanh rừng. Chanh rừng là loại cây bản địa, quả to nhất bằng ngón tay cái, khi chín có màu vàng óng, ăn rất ngọt và thơm. Đi đầu trong...
LSO-Là loại cây mọc tự nhiên, chanh rừng, chủ yếu được hái về để phục vụ sinh hoạt gia đình, ít người nghĩ đến chuyện làm giàu từ nó. Vài năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đã mạnh dạn đưa cây chanh rừng về trồng và thu được lợi nhuận khá cao.
Anh Dương Dì Mình chăm sóc cây chanh rừng
Xã Công Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Toàn xã có 250 hộ dân, trong đó 99,5% dân số là bà con dân tộc Dao, đời sống của người dân còn rất khó khăn, bởi đất đai chủ yếu là đồi núi khô cằn, đất nông nghiệp ít nên việc tìm cây trồng thích hợp và cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất này là rất khó. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tìm ra được cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây, đó là cây chanh rừng. Chanh rừng là loại cây bản địa, quả to nhất bằng ngón tay cái, khi chín có màu vàng óng, ăn rất ngọt và thơm. Đi đầu trong việc đưa cây chanh rừng về trồng là anh Dương Dì Mình ở thôn Khuổi Tao. Năm 1997, một lần đi rừng, tình cờ anh thấy một cây chanh rừng có khoảng 5kg quả, sau khi ăn thử thấy quả chanh rất ngọt và thơm, anh liền đem hạt đi ươm được hơn 500 cây trồng ở gần nhà. Sau 5 năm, cây bắt đầu ra quả, năm đầu thu hoạch 600 kg, anh đem ra chợ bán với giá 30 nghìn đồng/kg, thu về 18 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của cây chanh rừng, anh tiếp tục ươm và trồng thêm 600 cây nữa. Hiện nay, gia đình anh có hơn 1000 cây chanh rừng, mỗi năm thu hoạch được gần 2 tấn quả, với giá bán trên thị trường từ 50 – 70 nghìn đồng/kg, gia đình thu về 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Mình chia sẻ: “Quả chanh rừng rất được thị trường ưa chuộng, thương nhân đến tận nhà mua, quả hái ra không đủ bán vì nó thơm và ngọt chứ không chua như quả chanh bình thường. Quả chanh rừng dùng để chữa ho cho trẻ con rất tốt hoặc ngâm đường để mùa hè pha nước uống rất mát. Việc trồng và chăm sóc cây chanh rừng rất dễ, chỉ cần chú ý không để sâu đục gốc là được, ngoài ra không cần bón phân hay phun thuốc. Mỗi năm chỉ cần đi phát quanh gốc chanh một lần và chờ cho đến mùa quả chín là đi thu hoạch. Cây trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 70-100 kg quả. Tuy nhiên, việc thu hoạch quả cũng gặp khá nhiều khó khăn vì cây chanh còn bé và quả của nó chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, nên mỗi lần hái phải rất cẩn thận để không làm gãy cành”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chanh rừng mang lại, nhiều hộ gia đình ở đây cũng đã đem về trồng thử và bước đầu cho thu nhập. Điển hình như chị Triệu Mùi Say ở thôn Thác Đây, xã Công Sơn, với 200 cây chanh rừng, mỗi năm gia đình thu hoạch được 500 kg quả, đem lại trên dưới 30 triệu đồng. Chị Say cho biết: “Nhờ cây chanh rừng mà gia đình tôi có tiền đầu tư vào phát triển kinh tế, lo cho con cái ăn học và mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng cây chanh rừng”.
Hiệu quả và giá trị kinh tế đối với cây chanh rừng là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 20 hộ ở xã Công Sơn trồng cây chanh rừng với số lượng chỉ vài chục đến vài trăm cây. Thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền địa phương cùng với người dân nơi đây cần có phương án nhân rộng giống cây này, đưa cây chanh rừng trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Hoàng Văn Hương
Ý kiến ()