Triển vọng kinh tế từ cây cam đường
LSO-Một vài vụ vừa qua, chị Thiều Thị Đón, thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn đã mạnh dạn đưa giống cam đường canh ở Hưng Yên về trồng. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, loại cây trồng mới này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng để nhân rộng.
Mô hình trồng cam đường canh ở thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng mang lại hiệu quả kinh tế |
Nghe nói về giống cam đường canh hiện đã được trồng ở Lạng Sơn, có chất lượng tốt, chúng tôi đã đến thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng gặp chị Thiều Thị Đón, hiện đang phát triển mô hình này. Qua cuộc trò chuyện, chị Đón cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ làm nông nghiệp khác trong thôn chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như cây lúa và trồng màu, trong đó chủ yếu là trồng các loại rau để bán cho người dân khu vực thành phố Lạng Sơn. Nhưng việc trồng rau thì vất vả mà hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Với suy nghĩ phải tìm một giống cây mới có hiệu quả kinh tế để phát triển, chị đã đến các địa phương khác, tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn quả. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy giống cam đường canh ở Hưng Yên rất được thị trường ưa chuộng, giá bán cao và ổn định, có tiềm năng phát triển, chị đã học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Sau khi có những kiến thức nhất định, chị đã đưa giống cam đường canh về trồng thử nghiệm.
Qua một vài năm được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam đường canh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu, bệnh, sai quả, quả to đều, chất lượng quả ngon, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, chị Đón đã mạnh dạn nhân rộng mô hình này. Mới đầu chỉ với hơn 100 cây được mua ở Văn Giang, Hưng Yên về trồng với mức giá 20 nghìn đồng/cây giống. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho quả, khi thu hoạch đạt trên 10 kg/cây, đến năm thứ tư trở đi mỗi cây cho trung bình từ 15 đến 20 kg/cây. Thấy có hiệu quả, chị đã tiếp tục nhân rộng mô hình. Hiện nay, vườn nhà chị đã có trên 1.000 gốc cam đường canh, số cây này được trồng từ năm 2012, đến nay đã bắt đầu cho quả. Với số cây được trồng, ước tính mỗi vụ sẽ cho thu hoạch trên 5 tấn cam, theo giá thị trường là 50 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Như vậy so với việc trồng lúa, trồng màu trước đây thì việc trồng cam đường canh đã đem lại một nguồn thu đáng kể cho gia đình. Nhận thấy triển vọng phát triển kinh tế từ loại cây này, một số hộ trong xã cũng bắt đầu đem về trồng. Để giúp đỡ các hộ cùng thực hiện mô hình này, chị Đón đã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, liên hệ mua cây giống. Như hộ chị Hoàng Thị Niên, thôn Nà Pàn, xã Hoàng Đồng sau khi được chị Đón giúp đỡ về giống và kỹ thuật đã tiến hành trồng 600 cây, hiện vườn cam đang chuẩn bị cho quả. Ông Lê Xuân Hào, Bí thư chi bộ thôn Hoàng Thanh cho biết: Trong thôn, một số hộ làm nông nghiệp như gia đình chị Thiều Thị Đón đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào sản xuất như giống cam đường canh, giúp tăng thêm thu nhập. Do vậy, chúng tôi đang khuyến khích các hộ tìm hiểu cách thức phát triển mô hình này để nhân rộng ra địa bàn thôn.
Chị Thiều Thị Đón chia sẻ: Đối với các hộ là người trong thôn hay ở các thôn, xã khác đến tìm hiểu, chị sẵn sàng giúp đỡ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách thức phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đồng thời giúp đỡ về việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Mô hình này đang đem lại nguồn thu ổn định, có thể nhân rộng để bà con tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống.
THANH TÙNG
Ý kiến ()