Triển vọng hợp tác Saudi Arabia-Iran vì hòa bình ở khu vực
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hai nước đồng ý hàn gắn quan hệ vào tháng 3 năm 2023. Sự kiện này góp phần tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa hai quốc gia láng giềng, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hai nước đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ vào tháng 3 vừa qua. (Ảnh: Reuters) |
Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Ebrahim Raisi đã có cuộc hội đàm diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh chung bất thường của các nước Hồi giáo-Arab tổ chức tại Riyadh nhằm bàn về tình hình Dải Gaza, nhân dịp Tổng thống Ebrahim Raisi và phái đoàn Iran tới Riyadh để tham dự sự kiện. Phó Thống đốc Vùng Riyadh, Hoàng tử Mohammed bin Abdulrahman, Ðại sứ Saudi Arabia tại Iran, Ðại sứ Iran tại Saudi Arabia cùng nhiều quan chức khác đã chào đón ông Raisi tại sân bay quốc tế King Khalid. Ðây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao nhằm hàn gắn quan hệ hai nước, tiến tới thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.
Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại Iran năm 2016, liên quan việc Riyadh tử hình Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr. Quan hệ giữa hai nước cũng xấu đi do bất đồng liên quan xung đột tại Syria và Yemen. Tháng 3 vừa qua, hai nước đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao; cam kết mở lại các đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại mỗi nước, cũng như thực hiện những thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký kết hơn 20 năm trước.
Sau các chuyến thăm của các quan chức ngoại giao hai nước, Chính phủ Saudi Arabia đã bày tỏ hy vọng về một giai đoạn mới trong quan hệ với Iran dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.
Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Iran sau bảy năm quan hệ song phương bị gián đoạn. Tiếp đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian thăm Saudi Arabia lần đầu vào ngày 17/8 vừa qua.
Sau các chuyến thăm của các quan chức ngoại giao hai nước, Chính phủ Saudi Arabia đã bày tỏ hy vọng về một giai đoạn mới trong quan hệ với Iran dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Chính phủ Saudi Arabia cho biết đang triển khai các bước được nêu trong thỏa thuận nhằm nối lại quan hệ ngoại giao giữa Riyadh và Tehran vì sự ổn định khu vực, mang tầm nhìn rộng hơn vì hai nước cùng sở hữu các thành phần kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và lợi thế góp phần nâng cao các khía cạnh phát triển, thịnh vượng, ổn định và an ninh trong khu vực, vì lợi ích chung của hai nước.
Theo Ðại sứ Saudi Arabia tại Iran, Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia thể hiện một lộ trình phản ánh tất cả lĩnh vực hợp tác có thể được xây dựng theo quan điểm chiến lược thiết lập các nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, hiểu biết, đối thoại có mục đích và tôn trọng để nâng cao sự tin cậy lẫn nhau giữa Saudi Arabia và Iran. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định hai bên sẽ kích hoạt lại các thỏa thuận hợp tác kinh tế đã ký trong thời gian sớm nhất.
Tại các cuộc gặp giữa các quan chức Saudi Arabia và Iran thời gian qua, hai bên đã thảo luận các vấn đề trong quan hệ song phương, bao gồm đầu tư cho ngành công nghiệp dầu khí và tìm hiểu cơ hội phối hợp đầu tư. Các vấn đề như thương mại hydrocarbon và phát triển các lĩnh vực chung cũng là một trong những chủ đề được quan tâm thảo luận.
Cơ quan Hàng không dân sự Iran đã nhận được đề xuất từ Saudi Arabia về việc triển khai thực hiện ba chuyến bay định kỳ mỗi tuần giữa hai nước, ngoài các chuyến bay trong thời gian hành hương Hajj. Hoạt động thương mại giữa Iran và Saudi Arabia cũng đã được nối lại trong bối cảnh hai cường quốc khu vực Trung Ðông đang tăng tốc nỗ lực bình thường hóa quan hệ.
Trong chuyến thăm tới Riyadh lần này, Tổng thống Ebrahim Raisi và phái đoàn Iran cùng đại diện các nước trong khu vực tham dự hội nghị nhằm củng cố các nỗ lực và thể hiện lập trường thống nhất phản ánh ý chí chung của các nước Hồi giáo-Arab liên quan đến những diễn biến nghiêm trọng và chưa từng có ở Dải Gaza và các vùng lãnh thổ của Palestine hiện nay. Việc Iran và Saudi Arabia bước vào một trang mới trong quan hệ không chỉ đem lại cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mà còn tạo bầu không khí thuận lợi cho đối thoại, góp phần quan trọng vào nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận của các nước trong khu vực đối với các giải pháp cho những vấn đề nóng đang diễn ra ở Trung Ðông.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()