Triển vọng đưa cát nghiền thay thế cát tự nhiên vào xây dựng
LSO-Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật sử dụng cát nghiền vào thi công công trình.
Điển hình như; dự án đường 245 huyện Hữu Lũng (tuyến nhánh xã Tân Thành có chiều dài 2 km); dự án thảm mặt bằng công trình mở rộng Bến xe phía Bắc; dự án đấu nối đường bộ cửa khẩu Chi Ma; dự án xây dựng bãi xe cửa khẩu Chi Ma… Kết quả kiểm tra, kiểm định chất lượng các mẫu vật liệu được lấy xác xuất tại hiện trường theo quy định cho thấy các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu chất lượng theo thiết kế được duyệt. Điều này mở ra cho các chủ đầu tư thêm cơ hội lựa chọn sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên vào xây dựng công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Công trình mở rộng Bến xe phía Bắc sử dụng cát nghiền |
Ông Nguyễn Văn Đức, kỹ sư xây dựng phụ trách giám sát thi công công trình tuyến nhánh xã Tân Thành thuộc dự án đường 245 huyện Hữu Lũng cho biết: sau thời gian bảo dưỡng và cho phép các phương tiện tham gia giao thông đi lại trên tuyến đường, đến nay kết cấu bê tông không bị phân tầng, mặt đường vẫn giữ được độ phẳng, không xuất hiện các vết nứt ngang, nứt dọc do chất lượng bê tông gây ra. Không những vậy, mặt đường bê tông xi măng cát nghiền có màu sáng hơn mặt đường bê tông sử dụng cát tự nhiên, điều này giúp tăng khả năng quan sát của lái xe khi đi vào ban đêm.
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn thiết kế, so với sử dụng cát tự nhiên thì sử dụng cát nghiền giảm chi phí mỗi 1 m3 bê tông xi măng khoảng 200 nghìn đồng. Nếu nhân rộng, chi phí xây dựng của dự án giao thông sẽ giảm đáng kể mà chất lượng mặt đường bê tông xi măng vẫn bảo đảm theo hồ sơ thiết kế. Ngoài ra, theo một số chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong 12 tiêu chí so sánh giữa cát tự nhiên và cát nghiền nhân tạo thì cát nghiền có những ưu điểm vượt trội. Chẳng hạn, ở tiêu chí cường độ chịu nén của bê tông sử dụng cát tự nhiên thấp hơn cát nghiền nhân tạo. Không những vậy, trong khi trữ lượng khai thác cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh đang ngày càng cạn kiệt thì trữ lượng cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh rất dồi dào. Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cát nghiền với sản lượng khá lớn như: mỏ đá Giang Sơn; Công ty TNHH Hồng Phong (Cao Lộc); Công ty Cổ phần Đông Phong (Hữu Lũng)… với năng lực sản xuất khoảng 2.000 m3/ngày.
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giao thông Lạng Sơn cho biết: hiện nay đơn vị đang lập hàng trăm dự án xây dựng đường giao thông nông thôn cho các chủ đầu tư cấp huyện và đều đề xuất sử dụng vật liệu cát nghiền thay thế cát tự nhiên được các chủ đầu tư chấp thuận. Vật liệu cát nghiền theo tiêu chuẩn TCVN 9205; 2012 “cát nghiền cho bê tông và vữa” ban hành kèm theo quyết định số 2295/QĐ-BKHCN ngày 28/8/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, được một số nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh đang cung cấp hoàn toàn bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành.
Ông Vũ Đình Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Sơn cho biết: từ trước tới nay, công ty đã triển khai thi công hàng chục công trình xây dựng, trong đó có nhiều hạng mục công trình sử dụng cát nghiền chất lượng bảo đảm theo thiết kế như: công trình Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh. Qua kinh nghiệm sử dụng cát nghiền vào đầu tư xây dựng, các công trình do đơn vị thực hiện, quan trọng nhất là phải kiểm soát được vật liệu đầu vào trước khi đưa vào thi công các hạng mục; khi thi công xong phải đặc biệt coi trọng khâu bảo dưỡng bê tông. Đây là hai khâu đặc biệt quan trọng khi sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()