Triển vọng Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản ở Hữu Kiên
LSO-Xã Hữu Kiên vốn được nhiều người biết đến là một nơi chăn nuôi ngựa lâu đời của huyện Chi Lăng nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
LSO-Xã Hữu Kiên vốn được nhiều người biết đến là một nơi chăn nuôi ngựa lâu đời của huyện Chi Lăng nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Trải qua nhiều thế hệ, mô hình này vẫn được duy trì và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Cùng với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các cấp hội nông dân đã không ngừng quan tâm hỗ trợ để việc chăn nuôi ngựa tại xã Hữu Kiên tiếp tục phát triển. Đặc biệt, tháng 3/2012, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản tại đây, giúp nông dân địa phương có thêm nguồn lực nhân rộng mô hình trên.
Chăn thả ngựa tại thôn Pá Phèo, xã Hữu Kiên |
Chúng tôi đến xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng một ngày giữa tháng 7/2013, khi cái nắng cuối hè còn vàng rực, thấp thoáng xa xa, từng đàn ngựa trắng phau đang nối nhau gặm cỏ, tất cả tạo thành một vẻ đẹp nên thơ, một sức sống mới cho xã vùng 3 Hữu Kiên. Nơi đây có địa hình đồi núi trùng điệp, nhiều khu đồi thoai thoải như thảo nguyên với bát ngát cỏ. Chị Vi Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: từ lâu, người dân địa phương đã biết tận dụng địa hình để phát triển chăn nuôi ngựa song xu hướng nuôi xuất khẩu mới được đẩy mạnh vài năm trở lại đây. Để làm tốt chức năng của mình, hội đã không ngừng phối hợp tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật để mô hình ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế… Theo đó, ngày 7/3/2012, Hội Nông dân xã Hữu Kiên đã nhận ủy thác 350 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội cho 14 hộ vay để thực hiện Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản. Để nguồn vốn của Dự án phát huy hiệu quả, bên cạnh kinh nghiệm chăn nuôi ngựa của người dân thì công tác tập huấn, kiểm tra về sự sinh trưởng, phòng bệnh cho ngựa cũng được tổ chức Hội Nông dân xã tích cực phối hợp và chỉ đạo thực hiện. Hiện 9/9 thôn của xã đều đã có thú y viên, những biểu hiện bất thường trên vật nuôi được đội ngũ này nhanh chóng cập nhật và báo với chính quyền cũng như cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, các khâu phối giống theo chu kỳ; theo dõi ngựa cái có chửa, theo dõi ngựa con sau sinh, trọng lượng ngựa con, khả năng thích ứng và phát triển… cũng được thực hiện tuần tự, nghiêm túc. Do làm tốt công tác chuẩn bị và đảm bảo các quy trình chăm sóc nên đàn ngựa cái theo Dự án nói riêng, cả đàn ngựa trên địa bàn xã Hữu Kiên nói chung đang phát triển tốt và có khả năng nhân rộng, mở ra một hướng thoát nghèo mới cho người dân trên địa bàn.
Sau hơn một năm đưa vào chăn nuôi, những con ngựa theo Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản tại xã Hữu Kiên đã sinh thêm 16 ngựa con, nâng tổng đàn ngựa trên địa bàn lên 1.139 con, tăng 39 con so với cùng kỳ 2012. Điều đáng nói là Dự án không chỉ tập trung ở những thôn nuôi ít ngựa mà được triển khai ở cả những thôn đã nuôi nhiều từ lâu như Mạ A, Nà B, Co Hương… Ông Nông Quốc Mao, thôn Co Hương phấn khởi cho biết: mặc dù có “nghề” nuôi ngựa lâu đời nhưng do thiếu vốn nên gia đình đã vay thêm 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Số tiền đó, gia đình bổ sung mua được 2 con ngựa giống. Hiện nay, đàn ngựa gia đình có tất cả 9 con; cùng với kinh nghiệm chăn nuôi tự tích lũy được, gia đình sẽ phấn đấu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật được học hỏi, tập huấn để ngựa phát triển tốt, vươn lên làm giàu”.
Nguồn vốn vay theo Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản ở Hữu Kiên có thời hạn 3 năm, với mức phí là 0,8%/tháng. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và nộp phí đầy đủ đúng theo quy định. Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã cho biết: chăn nuôi ngựa là tập quán lâu đời của người dân và được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế trên địa bàn.Trong đó, ngựa bạch được tư thương nhiều nơi tìm mua và có giá trị kinh tế cao nhất. Mỗi con ngựa bạch đến thời kỳ xuất bán để nấu cao (5– 7 tuổi) giá trung bình từ 40 – 50 triệu đồng; ngựa con sau thời kỳ cai sữa cũng được giá trên chục triệu đồng… Việc đầu tư phát triển Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản tại xã hứa hẹn sự đổi thay mạnh mẽ đời sống người dân trong tương lai. “Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền mở rộng quy mô đàn ngựa, nhất là các thôn nuôi ít như Nà Lìa, Thằm Na; phát triển theo hướng hàng hóa đặc sản như cung cấp giống thuần chủng, nấu cao làm thuốc và lấy thịt”, ông Đảm nhấn mạnh.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()