Triển vọng đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân: Tín hiệu tích cực
Iran vừa bất ngờ tiết lộ kế hoạch nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân với Nhóm P4 1. Việc Tehran đồng ý quay trở lại bàn đàm phán sau bốn tháng “đóng băng” được cộng đồng quốc tế đánh giá là một tín hiệu tích cực để tháo gỡ bế tắc cho vấn đề vốn luôn nan giải này.
Thông tin khá bất ngờ được Nghị sĩ Iran Ahmad Alirezabeigui tiết lộ với báo chí ngay sau một cuộc họp kín với Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian. Theo Nghị sĩ Ahmad Alirezabeigui, các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và Nhóm P4 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ được khởi động lại ở Brussels (Bỉ) vào ngày mai (21/10), thay vì thường được tổ chức tại Vienna (Áo) như những vòng đàm phán trước đây.
Ngay sau tiết lộ của phía Iran, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên tiếng xác nhận và bày tỏ lạc quan về triển vọng đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân. Trong bối cảnh Tổng thống mới của Iran Ebrahim Raisi vẫn bày tỏ “thái độ lạnh lùng”, nhưng sau chuyến thăm Tehran vào giữa tháng 10 của Đặc phái viên EU điều phối vấn đề Iran Enrique Mora, Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ nối lại các cuộc thương lượng tại Brussels và nhấn mạnh Tehran mong muốn đàm phán mang lại hiệu quả thực chất và đạt một thỏa thuận để cứu vãn Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Ebrahim Raisi từng tuyên bố, Tehran sẵn sàng đàm phán để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, trong đó hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng không phải dưới sức ép của phương Tây.
Trước đó, Pháp và Đức, hai nước đầu tàu EU, thuộc nhóm Bộ Tứ về vấn đề hạt nhân của Iran, đã hối thúc Tehran sớm quay trở lại đàm phán. Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ, hai Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và Đức đã nhấn mạnh với người đồng cấp Iran về tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc sớm nối lại đàm phán, trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cảnh báo Iran đã tăng tốc làm giàu urani lên gần cấp độ vũ khí hạt nhân.
Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong JCPOA kể từ tháng 5/2019.
Việc Iran bất ngờ đồng ý quay trở lại bàn đàm phán đã bật “đèn xanh” cho các nước phương Tây về khả năng đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Tehran. Đối với cộng đồng quốc tế, đây là một tín hiệu khả quan để giải quyết rốt ráo vấn đề hạt nhân của Tehran.
Theo Nhandan
Ý kiến ()