Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022: Trách nhiệm vì nền quốc phòng hiện đại
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những đơn vị của Việt Nam có nhiều sản phẩm tham gia Triển lãm quốc phòng quốc tế lần đầu tiên do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến 10-12.
Tại triển lãm, Viettel có hai gian trưng bày. Gian hàng về quân sự giới thiệu tổng số 60 sản phẩm (6 sản phẩm ngoài trời và 54 sản phẩm trong nhà). Gian hàng còn lại tại khu trưng bày chung của Cục kinh tế Bộ Quốc phòng với 16 nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực dân sự, gồm những sản phẩm chuyển đổi số, hỗ trợ cho các lĩnh vực: Y tế số, gia đình số, giáo dục số, tài chính số, logistics, doanh nghiệp số, chính quyền số, giao thông số cùng những sản phẩm nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Thiết bị trinh sát ảnh nhiệt sử dụng công nghệ ảnh nhiệt không làm lạnh và ảnh màu, thời gian hoạt động với pin dài, được thiết kế sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết tại Việt Nam. Ảnh do đơn vị cung cấp |
Các sản phẩm được giới thiệu đều nằm trong danh sách những sản phẩm quan trọng, hiện tại đang được Viettel đầu tư triển khai và đã thương mại cả trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tạo ra nguồn doanh thu tốt cho Tập đoàn, các sản phẩm này còn thể hiện được năng lực sáng tạo, sản xuất của Viettel trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tham gia triển lãm, Viettel sẽ giới thiệu năng lực nghiên cứu sản xuất, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, marketing tại chỗ, xác định đối tác, khách hàng tiềm năng… Từ đó, phổ biến hình ảnh công nghiệp quốc phòng của Viettel-Việt Nam ra thế giới.
Qua đó, Viettel cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác, tạo ra các hợp đồng thương mại sau sự kiện. Những triển lãm quốc tế uy tín sẽ là điểm đến thường xuyên của Viettel trong giai đoạn phát triển thứ tư của Tập đoàn, tập trung đẩy mạnh “toàn cầu” và “xuất khẩu”, trong đó, mục tiêu doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu công nghiệp công nghệ cao lên đến hơn 50%.
Viettel mong muốn mang đến những sản phẩm quân sự cũng như dân sự tốt nhất, do đó, với tinh thần không ngừng cải tiến, phát triển, hướng đến người dùng, Viettel đã cung cấp tới Bộ Quốc phòng hơn 50 chủng loại với hàng trăm nghìn sản phẩm, chu kỳ cải tiến từ 6 tháng đến một năm tùy dòng sản phẩm. Viettel đã được cấp 66 sáng chế, giải pháp hữu ích, 12 bằng sáng chế tại Mỹ và 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ.
Từ năm 2013 đến nay, Viettel đã cung cấp hơn 2.000 bộ vật tư dự phòng cho các sản phẩm do Viettel sản xuất. Tất cả các sản phẩm do Viettel nghiên cứu, làm chủ hoàn toàn về mặt công nghệ và sản xuất giúp công tác bảo đảm kỹ thuật được nhanh chóng, thuận tiện, chủ động. Các sản phẩm được cung cấp kèm theo các Bộ vật tư dự phòng theo hướng người sử dụng cuối có thể tự thay thế bảng mạch, nhanh chóng khắc phục sự cố. Từ những năng lực sẵn có, Viettel mong muốn mang đến những thế mạnh của mình, giới thiệu ra quốc tế.
Lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Viettel nói chung và các sản phẩm Viettel mang đến triển lãm nói riêng được Viettel xác định là những mũi nhọn để đóng góp chung vào sự phát triển quốc phòng, an ninh, bám sát theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Viettel đặt trách nhiệm vì nền công nghiệp quốc phòng hiện đại.
Do đó, Viettel liên tục mở rộng nghiên cứu làm chủ, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có nhu cầu cấp bách, các loại vũ khí thế hệ mới, góp phần hiện đại hóa Quân đội. Viettel sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn theo mô hình C5ISR-mô hình tác chiến hiện đại được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến.
Những thiết bị quân sự của Viettel đã đem lại hiệu quả thiết thực, được các đơn vị đánh giá cao về chất lượng và tính năng kỹ, chiến thuật, phù hợp với điều kiện khí hậu, nhu cầu huấn luyện và tác chiến của Quân đội. Bên cạnh đó, còn bảo đảm tính bảo mật, chủ động trong sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành bảo trì, giá thành cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Hướng đến là nòng cốt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel quyết tâm đi ngay vào chinh phục công nghệ quân sự hiện đại nhất.
Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel mong muốn làm chủ các thiết bị hạ tầng của mạng 5G và triển khai diện rộng trên mạng lưới và tiến tới xuất khẩu, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các sản phẩm chipset 5G cho thiết bị hạ tầng mạng 5G…
Bên cạnh đó, Viettel xây dựng nền tảng kết nối vạn vật (IoT) và phát triển các chuẩn kết nối thiết bị IoT tạo ra hệ sinh thái IoT của người Việt, bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho người dân và quốc gia, tiếp tục phát triển các thiết bị trong hệ sinh thái sản phẩm IoT cho hộ gia đình, y tế, giáo dục, giao thông, nhà máy thông minh. Viettel cũng nghiên cứu các công nghệ năng lượng xanh tập trung vào công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ quản lý sử dụng năng lượng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa phát thải vào môi trường.
Bên cạnh đó, những công nghệ lõi Viettel đã làm chủ trong lĩnh vực quân sự hoàn toàn sử dụng chéo được cho cả dân sự. Từ đó, giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính công nghệ của sản phẩm, tạo ra những giải pháp lưỡng dụng vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.
Ý kiến ()