Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022: Khẳng định vị thế đầu ngành trong thiết kế tàu quân sự
Tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Viện Thiết kế tàu quân sự (TKTQS) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) mong muốn quảng bá những sản phẩm của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam đến với bạn bè, đối tác quốc tế cũng như nhân dân trong nước.
Trong kế hoạch được phân công, Viện TKTQS cùng các nhà máy khối đóng tàu và cơ quan chức năng của Tổng cục CNQP-Cơ quan Thường trực Ban tổ chức triển lãm-tiến hành xây dựng danh mục và chuẩn bị các sản phẩm nổi bật.
Theo đó, Viện trưng bày 10 mô hình tàu quân sự tiêu biểu cho ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của nước nhà trong thời gian vừa qua, trong đó có: Tàu tên lửa tấn công nhanh 12418, tàu pháo tuần tiễu TT-400TP, tàu Cảnh sát biển đa năng DN-2000, tàu tìm kiếm-cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm-cứu nạn xa bờ FC-624…
Ngoài tàu MSSARS 9316 được đóng mới gần đây thì 9 gam tàu còn lại từng được giới thiệu tại Hội chợ và Triển lãm quốc tế về quốc phòng Indonesia 2018 (Indo Defence 2018).
Thượng tá Phạm Quang Chiến (bên trái) chỉ đạo công tác chuyên môn tại Tổ thiết kế tập trung của Viện Thiết kế tàu quân sự. Ảnh: MINH THẮNG |
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 thu hút hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến trưng bày các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân nói riêng cũng như hoạt động quân sự, quốc phòng nói chung.
Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Quang Chiến, Viện trưởng Viện TKTQS nhấn mạnh, thông qua triển lãm này, Viện có cơ hội tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng trong lĩnh vực đóng tàu quân sự; quảng bá, tuyên truyền với bạn bè quốc tế về năng lực, tiềm lực khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự của Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cử một số cán bộ có chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ tốt phục vụ công tác phiên dịch, giới thiệu hiện vật đảm nhiệm tại sự kiện.
Được thành lập năm 2009, Viện TKTQS có tuổi đời non trẻ nhất so với các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP. Dẫu vậy, với sức trẻ của mình, Viện có sức bật mạnh mẽ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để dần trưởng thành theo độ khó của từng nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên của Viện TKTQS đều được đào tạo bài bản, trong đó khoảng 50% ở nước ngoài.
Mặt khác, đơn vị luôn chủ động trong công tác tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đồng thời chú trọng tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, đóng tàu quân sự từ nước ngoài và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu; làm chủ các phương pháp tính toán và các phần mềm thiết kế tàu hiện đại.
Chính vì vậy, Viện TKTQS ngày càng tham gia sâu vào quá trình hình thành các gam tàu, từ thiết kế kỹ thuật đến thiết kế thi công và giám sát thi công. “Nỗ lực vươn lên, vượt khó để thành công là cách chúng tôi vun đắp truyền thống đơn vị và tích lũy thêm kinh nghiệm”, Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Quang Chiến khẳng định.
Đến nay, Viện TKTQS đã thực hiện thiết kế đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa hơn 20 gam tàu, với tổng số gần 100 tàu trang bị cho các đơn vị trong và ngoài Quân đội. Các sản phẩm do Viện TKTQS thiết kế đều được chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị sử dụng đánh giá cao.
Một trong những dấu ấn quan trọng những năm qua phải kể đến là đề tài “Nghiên cứu, thiết kế tàu SN phù hợp với điều kiện tác chiến bảo vệ biển, đảo Việt Nam” do Viện TKTQS chủ trì và mới được nghiệm thu thành công. Công trình trên có nhiều ý nghĩa đối với Viện TKTQS và ngành đóng tàu quân sự Việt Nam, bởi từ trước đến nay, nước ta chưa có chương trình nghiên cứu tổng thể và đồng bộ về gam tàu này.
Giờ đây, Viện TKTQS có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu đó cho các đơn vị có nhu cầu để thực hiện những bước tiếp theo, bao gồm lập dự án đầu tư đóng mới, triển khai thi công đóng mới.
Ý kiến ()