Triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam"
Ngày 21-6, trong chương trình Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử", các đại biểu quốc tế và trong nước đã tham dự Lễ khai mạc Triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam". Các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến nhiều tư liệu pháp lý lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Triển lãm đã giới thiệu một số văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, khẳng định các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 đến 1841) đến thời Bảo Ðại (1925 đến 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa… Ðây là những văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá trị về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm cũng giới thiệu nhiều cuốn sách cổ viết về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá tự Công Ðạo (1686); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn biên soạn năm 1776; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Ðại Nam nhất thống chí (1882); Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)…
Triển lãm giới thiệu phiên bản Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp L.Ta-bớt (1838)…; trưng bày các bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; các bản đồ nước ngoài và Trung Quốc về cương vực lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ðặc biệt, có bộ Atlas thế giới của P.Van-đê-ma-ê-len xuất bản năm 1827 tại Bỉ, lần đầu được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Các đại biểu đã được chứng kiến những tư liệu mới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do nhân dân cả nước hiến tặng cho Nhà nước như: Bản gốc giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940; Hồ sơ đèn biển được Pháp xây dựng ở Hoàng Sa năm 1937; Cuốn biên niên của Nha khí tượng Ðông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Ðông Dương xuất bản năm 1942 liệt kê các thông số về thời tiết do các trạm khí tượng đo được tính đến ngày 31-12-1940 trong đó có trạm số 48859 trên đảo Phú Lâm và trạm 48860 trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa; Trạm số 48919 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Ðây là những tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời Pháp thuộc.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Ðà Nẵng Bùi Văn Tiếng khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ mãi mãi không thể tách rời của Việt Nam. Những hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật được trưng bày tại cuộc triển lãm đã chỉ ra sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, các nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp các quy định liên quan của luật pháp quốc tế; lãnh thổ Trung Quốc từ bao đời nay chỉ kết thúc ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Một số học giả cho biết, sẽ có những bài viết hoặc trả lời phỏng vấn nói lên sự thật về tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để dư luận quốc tế có cái nhìn khách quan về tranh chấp ở Biển Ðông nói chung và đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25-6.
* Sáng 21-6, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các đại biểu đã tham dự hai phiên Tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Các học giả cho rằng, về mặt pháp lý thì nhìn từ bất kỳ góc độ nào, hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là bất hợp pháp. Theo tọa độ của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thì vị trí hoạt động của giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở khu vực này là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, nhiều diễn giả đã chỉ rõ những nội dung phi lý trong lập luận của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981. Việc Trung Quốc coi vị trí hoạt động của giàn khoan này thuộc vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận.
Các diễn giả cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các biện pháp pháp lý và các cơ chế tài phán quốc tế, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc.
Các học giả đã đánh giá việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là bước leo thang mới nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Ðông; hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng ở Biển Ðông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Ðông.
Hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Ðông, ảnh hưởng tiêu cực quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực và thiện chí giải quyết hòa bình tranh chấp của Việt Nam; cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này để tạo sức ép với Trung Quốc, ngăn cản những hành động leo thang mới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()