Triển khai xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long
Sáng 6-1, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) đã tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 28 tháng thi công.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dự án có tổng chiều dài hơn 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn 4,8 km, được thiết kế quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa,… bảo đảm cho xe lưu thông với vận tốc 100 km/giờ.
Dự án có điểm đầu tại km 0 130, phía bắc cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối tại km5 497 phía nam cầu Thăng Long; được chia thành hai gói thầu thi công xây lắp. Trong đó, gói thầu số 1 xây dựng đoạn Mai Dịch – Cổ Nhuế dài gần 2,7 km do Liên danh Sumitomo Mitsui – Cienco 4 thi công, dự kiến hoàn thành hợp đồng 28 tháng.
Gói thầu số 2 xây dựng đoạn Cổ Nhuế – Nam Thăng Long cũng dài gần 2,7 km, do Liên danh Tokyu – Taisei (Nhật Bản) thi công, dự kiến hoàn thành trong 28 tháng.
“Việc xây dựng cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn của Thủ đô Hà Nội” – ông Roãn cho hay.
Nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng với Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, TP Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn vốn để triển khai thi công dự án, đồng thời đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thủ đô.
Nhằm bảo đảm tiến độ công trình, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT Hà Nội triển khai phân luồng phương tiện, tránh ùn tắc trong quá trong quá trình thi công dự án.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, trên tuyến vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác đoạn Mai Dịch – Bắc Linh Đàm. Để khép kín hoàn thiện tuyến đường, Bộ đầu tư nốt đoạn còn lại của dự án này, góp phần hoàn thiện dự án vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá, ngoài nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, thì nguồn vốn Nhật Bản trong thời gian qua đã giúp Việt Nam xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo, nhiều dự án quan trọng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA như cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, Nhà ga T2 Nội Bài, tạo ấn tượng về sự hiện đại, văn minh.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng long, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tập trung mọi nguồn lực bảo đảm tiến độ, an toàn, môi trường để dự án sớm hoàn thành góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Được biết, để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên trên tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiến hành thực hiện song song dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long (phía dưới) có tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng với chiều dài 5,5 km, hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 31-3-2018. Điểm đầu dự án tại ngã tư Mai Dịch, điểm cuối là chân cầu Thăng Long, chiều rộng nền đường từ 56 đến 93 m; với các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh; vỉa hè; cầu đi bộ và các công trình phụ trợ khác,…
Theo Nhandan
Ý kiến ()