Triển khai tích cực các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học
Lớp học thưa thớt học sinh ở Trường THCS Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: MINH TRÍ và BẢO TRỊ |
Đến một số trường học ở miền núi Quảng Ngãi, chúng tôi chứng kiến những lớp học vắng nhiều HS. Tại huyện miền núi Sơn Tây có 7/9 trường THCS có tỷ lệ HS đến lớp đạt dưới 80%, hai trường còn lại cũng chỉ đạt khoảng 85%, có trường tỷ lệ HS đến lớp chỉ đạt 75%. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung (Sơn Tây) Phạm Thị Lâm cho biết: Ở các xã miền núi vùng cao mỗi khi vào mùa đót lại diễn ra cảnh HS bỏ học hàng loạt để đi bẻ đót. Nhiều lần cô giáo đến nhà động viên các em đến lớp nhưng ít khi gặp. Nếu gặp cha, mẹ HS cũng chỉ nhận được câu trả lời “bọn nó rủ nhau lên rừng làm đót để bán kiếm tiền lo cái ăn. Chuyện học của nó mình không biết”. Đưa chúng tôi đến thăm một số lớp đang học, cô giáo Lâm với nét mặt đượm buồn chỉ tay về những dãy bàn ghế HS ngồi học lưa thưa. Lớp nào cũng có HS vắng học, vắng ít thì sáu em, lớp vắng nhiều có đến 17 em, hiện nay với tỷ lệ HS đến trường chỉ khoảng 85%…
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực luôn có nhiều HS bỏ học. Lãnh đạo Sở GD và ĐT An Giang cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 1.752 HS phổ thông chưa trở lại lớp (so với thời điểm kết thúc học kỳ I). Theo đó, số HS chưa trở lại lớp ở bậc tiểu học là 349, THCS 845 và THPT là 558 HS. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT An Giang Nguyễn Thanh Bình, tình trạng HS chưa trở lại lớp trong tỉnh An Giang năm nay tập trung chủ yếu ở bậc THCS và THPT. Qua tìm hiểu của ngành GD và ĐT cho thấy, HS chưa trở lại lớp sau Tết là do các em theo cha mẹ đi làm ăn xa, nhất là các khu công nghiệp (đi làm hoặc giữ em cho cha mẹ đi làm), con số này chiếm tỷ lệ cao nhất. Mặt khác, một phần khác do các em không theo kịp chương trình sinh tâm lý chán nản, không chịu đến lớp.
Tình trạng HS bỏ học hiện nay diễn ra ở phần lớn các địa phương trong cả nước. Tại Hội nghị giao ban các vùng thi đua của ngành GD và ĐT cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, đại diện phần lớn các vùng đều khẳng định tình hình HS bỏ học có giảm so với những năm trước đây, nhưng tỷ lệ giảm không đáng kể, số HS bỏ học vẫn còn nhiều, nhất là HS THCS và THPT. Thống kê cho thấy, 15 tỉnh miền núi phía bắc có 9.790 HS bỏ học, trong đó nhiều nhất là bậc THPT có 6.795, THCS có 2.682 (một số tỉnh có HS bỏ học nhiều của vùng này là: Bắc Cạn, Lai Châu và Hà Giang). Trong khi đó tại vùng đồng bằng sông Cửu Long học kỳ I năm học 2011-2012 có tới 17.436 HS bỏ học; Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 9.836 HS bỏ học…
Thực tế nói trên đặt ra câu hỏi về các giải pháp khắc phục việc HS bỏ học của ngành GD và ĐT có thật sự hiệu quả?
Những năm qua, ngành GD và ĐT cũng đã có một số biện pháp nhằm giảm tình trạng HS bỏ học. Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Trần Thị Thắm: Khắc phục tình trạng HS bỏ học phụ thuộc vào yếu tố chính là gia đình có những khó khăn về kinh tế hoặc thiếu sự quan tâm, dẫn đến HS bỏ học. Vì vậy, việc thực hiện phong trào “ba đủ” (đủ ăn, mặc, sách vở) những năm gần đây được coi là giải pháp tích cực nhất trong các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng HS bỏ học. Giám đốc Sở GD và ĐT Điện Biên Lê Văn Quý, Trưởng vùng thi đua giáo dục các tỉnh miền núi phía bắc cho biết: Các Sở GD và ĐT vùng núi phía bắc đã tích cực phối hợp công đoàn giáo dục phát động trong toàn ngành, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm quyên góp tiền, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng giúp đỡ các HS có hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện cần thiết để đi học. Vì vậy, tình trạng HS phải nghỉ học do thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở không còn. Ngoài ra, các hình thức phổ biến như: phụ đạo HS yếu, kém, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… phù hợp đối tượng HS cũng được triển khai nhằm giảm tình trạng HS bỏ học.
HS bỏ học không chỉ thiệt thòi cho chính các em mà còn khiến cho mục tiêu xây dựng xã hội học tập, mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực… trở nên khó khăn. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài những giải pháp đã triển khai, ngành GD và ĐT cũng cần nhìn nhận thực tế vào những hạn chế chủ quan trong giáo dục dẫn đến tình trạng HS bỏ học để có giải pháp khắc phục phù hợp. Thực tế cho thấy, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (nội trú dân nuôi) được đánh giá là giải quyết tốt tình trạng HS bỏ học, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường. Theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg thì chế độ hỗ trợ HS bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú được tính hưởng kể từ ngày 1-1-2011 với mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% lương tối thiểu trong thời gian không quá chín tháng/năm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12-2011, liên bộ GD và ĐT – Tài chính mới có thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định trên, vì vậy, việc hỗ trợ HS vùng khó khăn, nhất là khó khăn về kinh tế, đời sống có điều kiện tốt đến lớp của các địa phương khá lúng túng, thậm chí không thực hiện được, làm cho việc duy trì số HS lên lớp gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, cần khắc phục tình trạng chỉ đánh giá những nguyên nhân khách quan mà thiếu nhìn nhận nguyên nhân chủ quan của ngành trong vấn đề HS bỏ học. Những năm gần đây, việc xác định các giải pháp khắc phục tình trạng HS bỏ học trong nhiệm vụ năm học của ngành GD và ĐT hầu như bị lãng quên. Bộ GD và ĐT khi yêu cầu các địa phương tìm hiểu, thống kê và xác định nguyên nhân HS bỏ học ở các địa phương chỉ nói đến các yếu tố như: HS có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, học lực yếu, kém, xa trường, đi lại khó khăn, do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… Trong khi đó, yếu tố chủ quan trong giáo dục là chất lượng dạy học chưa được nói đến. Nhất là việc chậm đổi mới phương pháp dạy và học diễn ra phổ biến; năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm chưa cao. Việc thực hiện phân loại HS trong lớp để lên kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức phụ đạo, giúp đỡ HS yếu, kém trong các nhà trường phổ thông hiện nay chưa thật tích cực, còn mang tính hình thức.
Có thể nói, con số thống kê về tình trạng HS bỏ học tuy có giảm so với năm học trước, nhưng nếu xã hội và ngành GD và ĐT không quan tâm đúng mức thì số HS THCS và THPT bỏ học sẽ vẫn còn cao. Đó là một lỗ hổng lớn trong việc phổ cập giáo dục phổ thông các cấp cũng như mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng GD và ĐT phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Ý kiến ()