Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN) * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghịNgày 23-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị về việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Đại diện các cơ quan Nhà nước hữu quan đã dự.Khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, năm 2012, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; đồng thời là năm mà kinh tế - xã hội của nước ta trải qua rất nhiều khó khăn. Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Trong thành tựu chung đó, có phần đóng...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN) |
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị về việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Đại diện các cơ quan Nhà nước hữu quan đã dự.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, năm 2012, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; đồng thời là năm mà kinh tế – xã hội của nước ta trải qua rất nhiều khó khăn. Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Trong thành tựu chung đó, có phần đóng góp quan trọng của Chính phủ, các bộ, ngành thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và các cơ quan hữu quan trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng; tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc đánh giá về những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân, công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp; trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp. Công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm, việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm hoặc vẫn để xảy ra một số trường hợp oan sai. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự chuyển biến chậm. Hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân còn hạn chế, số người tái phạm cao… Những vấn đề này đang gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, QH đã ra Nghị quyết và sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để có những giải pháp tích cực, kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.
Đây là lần đầu QH ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, về đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này. Nghị quyết đã giao Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm, khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Hội nghị đã nghe Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang báo cáo kế hoạch và tình hình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37 của QH đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình. Các báo cáo nói trên đều cho biết, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã tổ chức quán triệt đến cán bộ chủ chốt trong ngành, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, xây dựng thể chế, tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền, đề ra các giải pháp thực thi và một số việc đã triển khai trong thực tế. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã phân công Cục Chống tham nhũng triển khai các hoạt động rà soát, nắm thông tin, tình hình trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng để đề xuất các cuộc thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng và chú trọng những công tác liên quan đến nội dung điều chỉnh, bổ sung của Luật Phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, công khai tài sản, thu nhập, trách nhiệm giải trình…
Bộ trưởng Công an đã phát lệnh số 679/HT về mở đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 từ ngày 15-12-2012 đến ngày 15-3-2013. Tổ chức phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là ở các khu đô thị vào ban đêm; phát hiện, xử lý nghiêm các nhóm lưu manh, côn đồ, các nhóm thanh, thiếu niên càn quấy, chủ động phát hiện, thu hồi các loại vũ khí, hung khí. Bộ Công an đã tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa bàn trọng điểm.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra chỉ thị yêu cầu Viện Kiểm sát các cấp chủ động đề ra các biện pháp thiết thực để kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp cùng Cơ quan điều tra phấn đấu tăng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từ 90% trở lên, hạn chế việc kéo dài, quá hạn; khắc phục tình trạng Cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhưng Viện Kiểm sát không theo dõi, kiểm sát được. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát chặt chẽ từ đầu các vụ án được khởi tố, chủ động theo sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm tăng cường trách nhiệm công tố chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Ngành tòa án đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án hình sự lớn, trọng điểm, các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, các vụ án hành chính có liên quan tới lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về đất đai gây bức xúc trong nhân dân; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng báo cáo và phối hợp với Ủy ban Tư pháp của QH tiến hành khảo sát về công tác phân loại án tại một số địa phương.
Các báo cáo của các ngành chức năng cũng đã đề cập những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Trên cơ sở đó, hội nghị đã thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành chức năng, những hạn chế cần khắc phục và những giải pháp tháo gỡ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()