Triển khai thi hành Luật Hộ tịch đạt hiệu lực, hiệu quả
Ngày 20-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) Khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch. Để bảo đảm thi hành luật từ ngày 1-1-2016, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động và chuẩn bị các công việc cần thiết.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Nghị định này có hiệu lực cùng với Luật Hộ tịch. Những tinh thần và quy định mới nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch ở cả hai cấp xã và huyện, bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. Một trong những nội dung vấn đề lâu nay được đông đảo người dân nhiều nơi quan tâm là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ trong đăng ký hộ tịch. Để tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ tịch, Nghị định đã cắt giảm mạnh các giấy tờ phải nộp khi đăng ký hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngay cả khi TTHC quy định giấy tờ phải nộp là bản sao có chứng thực, nhưng nếu người dân chỉ nộp bản chụp giấy tờ (không có chứng thực) thì Nghị định quy định cũng được chấp nhận, nhưng cần có bản chính để đối chiếu.
Mặt khác, các quy định của dự thảo Nghị định đều bám sát quy định của Luật Hộ tịch, được xây dựng bảo đảm khả thi trong thời gian dài. Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi đăng ký hộ tịch, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú, cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch. Thời gian tới, khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất một loại giấy tờ (có số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết TTHC nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú.
Một điểm mới trong Nghị định quy định cải cách mạnh mẽ TTHC để giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho người dân. Cụ thể, không quy định phỏng vấn đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện. Đây là bước cải cách mạnh mẽ, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn, được xem là một trong những quyền nhân thân quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.
Nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã, để bảo đảm lợi ích của người dân, tránh gây phiền hà, tốn kém, Nghị định quy định thống nhất một thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo đó, UBND cấp xã có thẩm quyền cấp loại giấy này cho cá nhân có yêu cầu, nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn.
Rõ ràng, thể chế trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch đã được hoàn thiện, bảo đảm các quy định của luật sẽ được thực hiện thống nhất tại các địa phương kể từ ngày đầu năm 2016 và sẽ không còn tình trạng “chờ” văn bản hướng dẫn thi hành. Tới đây, ngoài xây dựng và triển khai Dự án khả thi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Bộ Công an hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân trong mối tương quan với Luật Hộ tịch. Trong đó có các nội dung chuyển- nhận dữ liệu khai sinh và cấp số định danh cá nhân; dữ liệu thay đổi, cải chính hộ tịch; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân giữa hai cơ sở; vấn đề bảo mật, an toàn thông tin mạng trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc…
Công tác triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch cũng sẽ được chú trọng. Tại các địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các cấp chỉ tuyển dụng mới người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch làm công tác hộ tịch; thường xuyên chỉ đạo công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()