Triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ công an tập trung nghiên cứu nghiêm túc, quán triệt sâu sắc và nắm vững những nội dung cơ bản của Luật Đặc xá năm 2018, trên cơ sở đó để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đặc xá 2018.
Ngày 8/4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018 bằng hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Luật Đặc xá năm 2018 đã thể chế hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng để phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Luật đã cụ thể hoá quy định về thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013 nhằm giúp Chủ tịch nước thực hiện quyền của người đứng đầu Nhà nước về đặc xá; quy định cụ thể về thời điểm đặc xá, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng đặc xá, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác trong việc đặc xá.
Để triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018, ngày 1/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018; ngày 20/2/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1085 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018 trong Công an nhân dân.
Nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng nhằm quán triệt đầy đủ những nội dung của Luật Đặc xá năm 2018 đến cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu các đồng chí cán bộ, chiến sĩ công an tập trung nghiên cứu nghiêm túc, quán triệt sâu sắc và nắm vững những nội dung cơ bản của Luật, trên cơ sở đó để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, áp dụng đúng, thống nhất Luật Đặc xá trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe lãnh đạo Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trình bày những nội dung cơ bản của Luật Đặc xá năm 2018 và công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai trong Công an nhân dân.
Luật Đặc xá 2018 được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Luật gồm 6 chương, 39 điều, so với Luật Đặc xá năm 2007 tăng 03 điều, sửa đổi, bổ sung 34 điều với bố cục và nội dung cơ bản, quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.
So với quy định của Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá năm 2018 có nhiều nội dung mới, thay đổi về điều kiện của người được đề nghị đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Luật bổ sung đối tượng được đặc xá là người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn hiện nay. Bổ sung quy định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá; thẩm định xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007.
Luật Đặc xá năm 2018 đã bổ sung trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong công tác đặc xá; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong công tác đặc xá để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ trong việc thực hiện đặc xá…/.
Ý kiến ()