LSO-Đợt cao điểm về vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi sẽ diễn ra trong tháng 10 sắp tới là lần thứ ba các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai. 2 đợt trước đó được tổ chức vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ là vệ sinh môi trường một cách tức thời, mà đây còn là dịp để các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học. Cán bộ thú y huyện Chi Lăng kiểm tra thiết bị tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôiThực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và của Ngành NN&PTNT, từ 15/2/2012 đến 13/5/2012, huyện Chi Lăng đã triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Ông Lý Minh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: đây là lần thứ hai Chi Lăng thực hiện công tác này, Trạm đã phối hợp với chính quyền các xã và tham mưu cho UBND huyện...
LSO-Đợt cao điểm về vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi sẽ diễn ra trong tháng 10 sắp tới là lần thứ ba các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai. 2 đợt trước đó được tổ chức vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ là vệ sinh môi trường một cách tức thời, mà đây còn là dịp để các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học.
Cán bộ thú y huyện Chi Lăng kiểm tra thiết bị tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và của Ngành NN&PTNT, từ 15/2/2012 đến 13/5/2012, huyện Chi Lăng đã triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Ông Lý Minh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: đây là lần thứ hai Chi Lăng thực hiện công tác này, Trạm đã phối hợp với chính quyền các xã và tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình. Do đã có kinh nghiệm triển khai từ lần trước, nên đợt này chính quyền các cơ sở vào cuộc rất quyết liệt, đồng thời các hộ chăn nuôi cũng hưởng ứng mạnh mẽ. Theo kế hoạch thì chỉ có 6 huyện nằm trong vùng trọng điểm, tập trung nhiều gia súc, gia cầm và có nguy cơ cao về dịch bệnh mới thành lập đội phun, có kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, 15 xã còn lại trong huyện cũng đã nghiêm túc huy động nhân dân tự thành lập các đội phun, nhận thuốc tiêu độc khử trùng và tiến hành phun đồng loạt dưới sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ thú y. Kết quả, trong gần 1 tháng triển khai, với gần 600 lít thuốc được cấp phát, toàn huyện đã phun tiêu độc khử trùng cho 12.352 hộ chăn nuôi, trong đó 11.394 hộ tự phun theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, tỷ lệ gần đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Cùng với việc phun thuốc tiêu độc khử trùng, huyện đã phân công cán bộ chuyên môn phụ trách từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiến hành luôn công tác điều tra, thống kê để có cái nhìn toàn diện nhất về tình hình chăn nuôi trong huyện, từ đó đưa ra những hoạch định phù hợp với điều kiện của địa phương. Trên thực tế thời gian qua, nhận thức của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có những chuyển biến tích cực, nhờ đó mà ngay khi xuất hiện bệnh lở mồm long móng hồi tháng 4/2012 và bệnh tai xanh ở lợn vừa qua, người dân đã chủ động, tích cực cùng với cơ quan chuyên môn nhanh chóng khoanh vùng, khống chế ổ dịch. Đồng thời với việc thực hiện các đợt ra quân đồng loạt, Chi Lăng vẫn tiếp tục duy trì phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên tại các điểm chợ và nơi tập trung nhiều gia súc, gia cầm, vùng có nguy cơ cao. Không chỉ riêng ở Chi Lăng, mà hầu hết các địa phương trong tỉnh đều triển khai thực hiện khá tốt các đợt cao điểm về vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo chỉ đạo của cấp trên. Thông qua các hoạt động này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ cấp huyện đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực và có sự quan tâm thích đáng hơn đến việc bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi. Ví dụ điển hình là trong đợt bùng phát dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, ngay khi có thông tin dịch bệnh ở huyện kế bên, UBND huyện Bắc Sơn đã nhanh chóng trích kinh phí hỗ trợ, phun khử trùng môi trường đồng loạt ở các xã giáp ranh. Đây là yếu tố quan trọng để Bắc Sơn không thiệt hại nhiều trong đợt dịch vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp phát cho các huyện trên 13 nghìn lít thuốc khử trùng, theo đánh giá, tất cả số thuốc này đều được sử dụng rất hiệu quả.
Ông Hoàng Quy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: vừa qua, triển khai chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng chăn nuôi trong tháng 10/2012. Từ đầu năm đến nay, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm trong cả nước, Lạng Sơn đã xuất hiện lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm. Tuy đã được khống chế, nhưng không loại trừ vi rút gây bệnh vẫn đang lưu hành trong môi trường chăn nuôi và cả nguy cơ phát sinh trên đường vận chuyển. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Lạng Sơn không nằm trong chương trình tiêm phòng cúm gia cầm, do đó, tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng lần này càng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y, hiện nay, đơn vị đang khẩn trương đôn đốc các trạm trực thuộc tiến hành công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch chi tiết, lồng ghép với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường chăn nuôi và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()