Thứ 5, 06/02/2025 23:47 [(GMT +7)]
Triển khai Quyết định 85/2010/QĐ-TTg là giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
Thứ 3, 19/04/2011 | 08:43:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Loại hình “bán trú dân nuôi” đã được thực hiện trong nhiều năm nay ở Lạng Sơn. Trước những khó khăn về điều kiện ăn ở, học hành mà học sinh loại hình này phải chịu đựng, trong những năm qua đã có nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể tổ chức đóng góp xây dựng phòng ở cho các cháu. Huyện Cao Lộc đã có mô hình “nội trú dân nuôi” khá hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn là sự bất cập giữa các địa phương trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh dân tộc yên tâm học tập…
Chế biến thực phẩm tại nhà bếp của trường “bán trú dân nuôi” Trường PTCS xã Công Sơn (Cao Lộc) |
Theo thống kê, tỉnh ta có gần 54 ngàn học sinh tiểu học, trên 49 ngàn học sinh cấp THCS là người dân tộc thiểu số, xếp thứ 3 trong 49 tỉnh thành phố có loại hình trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú; có trên 21.500 học sinh THPT là người dân tộc thiểu số, đứng thứ 2 (sau Sơn La). Với hệ thống 246 trường tiểu học và 24 trường THCS có tiểu học với 818 điểm trường trong đó có 548 điểm trường lẻ. Bằng các lớp ghép từ 2-3 trình độ, học sinh đã có điều kiện học tập gần nhà mà không phải đi xa, việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và chỉ còn ở mức 0,04% đối với tiểu học. Tuy vậy, do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, học sinh tiểu học vẫn phải đi học xa từ 2-3 km đối với các lớp 1, 2, 3 và xa đến 4-5 km đối với các lớp 4, 5, không thể đảm bảo chất lượng 2 buổi/ ngày. Bước vào cấp THCS, học sinh còn gặp khó khăn gấp bội, khi phải lặn lội hàng chục, tới trường. Vì vậy tình trạng các lều lán mọc lên như nấm xung quanh trường THCS là điều thường thấy và không hiếm trường hợp bố mẹ phải đốt đuốc đưa con tới lớp và đón con khi tan trường.
Dựa vào các nguồn lực của chế độ chính sách, sự cố gắng của các địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, một số mô hình “ bán trú dân nuôi” đã hình thành. Điển hình là Trường PTCS xã Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc), Trường PTCS xã Cao Minh (Tràng Định) và nhiều nơi khác. Qua 2 năm học, những mô hình này đã khẳng định tính ưu việt, song cũng không tránh khỏi những khó khăn khi duy trì.
Tiếp theo các quyết định hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn có điều kiện tới trường, ngày 21/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và Trường PTDT bán trú. Quyết định này quy định một số chính sách hỗ trợ đối với học sinh tiểu học và THCS bán trú đang học tại các trường PTDT bán trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập khác ở vùng này, trường bán trú.
Như vậy, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh bán trú đang học tại các trường PTDT bán trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, THCS công lập khác ở vùng này do xa trường, địa hình cách trở, giao thông khó khăn, không thể đi đến trường và về nhà trong ngày. Theo Quyết định, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh. Hỗ trợ nhà ở: học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường. Đối với học sinh tự lo chỗ ở được hỗ trợ mỗi tháng bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh.
Trường PTDT bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị như nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo. Hằng năm, nhà trường được mua sắm các thiết bị phục vụ văn hóa hoạt động, TDTT, vui chơi giải trí với mức 100 ngàn đồng/ học sinh bán trú/ năm học; lập tủ thuốc nhà trường với kinh phí chi mua các loại thuốc thông thường mức 50 ngàn đồng/ học sinh bán trú/ năm học.
Khi có chính sách mới, người dân luôn trông chờ nó nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy vậy, việc thống kê đối tượng được hưởng và việc thành lập trường PTDT bán trú vẫn còn chậm. Vấn đề là các phòng GD nhanh chóng triển khai chính xác số học sinh trong diện được hưởng, tham mưu đề xuất với UBND huyện thành lập các trường PTDT bán trú trên cơ sở các trường tiểu học và THCS ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; từ đó đề xuất các bước thực hiện trong xây dựng và thực hiện chính sách. Đây là vấn đề rất cần thiết, bởi vì việc thực hiện Quyết định 85 không những mang tính chiến lược lâu dài đối với công tác giáo dục dân tộc, mà còn là hành động thiết thực hưởng ứng Nghị quyết 11 của Chính phủ về đảm bảo an sinh xã hội.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()