tle=”Triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão số 8″> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Tàu, thuyền của ngư dân về neo đậu tránh bão số 8 tại cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
* Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động phòng, chống bão, mưa lũ
* Cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế
* Đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía bắc
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 26-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 113,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An – Thừa Thiên – Huế khoảng 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 7 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 106,1 độ kinh đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình – Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 104,7 độ kinh đông, trên khu vực Thanh Hóa và các tỉnh phía tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Từ sáng 27-10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng; khu vực vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị từ chiều 27-10 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Khu vực phía đông Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa to đến rất to. Các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 8 trên hệ thống sông Hồng có khả năng xảy ra một đợt lũ vào các ngày 29, 30-10. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía bắc, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ hôm nay 27-10, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; đợt mưa này có khả năng kéo dài hai đến ba ngày. Mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, ở mức BĐ1-BĐ2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế. Trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo kỳ triều cường. Đến ngày 30-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,60 m; tại Châu Đốc lên mức 2,45 m; tại các trạm chính vùng hạ lưu lên mức BĐ2-BĐ3.
Cùng với Công điện số 48, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng chống bão số 8, ngày 26-10, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có báo cáo nhanh về công tác chỉ đạo đối phó với thiên tai. Trưởng ban chỉ đạo PCLB T.Ư đã trực tiếp liên lạc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố có tàu đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu kiên quyết chỉ đạo tàu thuyền còn hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển ngay vào bờ nơi gần nhất, kiên quyết không được ở lại trên tàu để bảo đảm an toàn về người. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử hai đoàn công tác đi các tỉnh bắc Trung Bộ và nam đồng bằng sông Hồng để chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, có biện pháp bảo vệ các công trình đê điều, hồ chứa và bảo vệ cây trồng vụ đông. Các bộ: Công an, Y tế, Giao thông vận tải có Công điện gửi các địa phương và các cơ quan chức năng trực thuộc triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão. Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền trú, tránh bão; duy trì 4.654 cán bộ, chiến sĩ cùng 324 phương tiện các loại (80 tàu, 142 xuồng, ca-nô, 102 ô-tô) thường trực sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống. Tổng cục Thủy lợi đã có công văn gửi Chi cục Quản lý đê điều và PCLB các tỉnh bắc Trung Bộ yêu cầu khẩn trương kiểm tra các công trình đang thi công, những vị trí đê xung yếu, đặc biệt những vị trí đê bị sự cố trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua để có biện pháp bảo đảm an toàn. Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đang tích nước, dung tích đạt khoảng 60-80% thiết kế; các khu vực khác từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, dung tích đạt khoảng 30-50% thiết kế. Một số hồ hiện đã đầy nước và đang tràn tự do hoặc xả tràn. Các sự cố về đê điều trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 (trên tuyến đê sông Chu của Thanh Hóa) vừa qua đã được địa phương hoàn thành việc xử lý cấp bách, đảm bảo chống lũ. Đến nay, các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh đã có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão. Tính đến thời điểm này, các tỉnh bắc Trung Bộ cơ bản đã sản xuất gần 100% diện tích cây vụ đông theo kế hoạch; các tỉnh Bắc Bộ sản xuất đạt trên 50% kế hoạch. Giống đã xuống được từ 30 đến 40 ngày, cây đang sinh trưởng tốt. Do vậy khi xảy ra mưa lớn, gần 100 nghìn ha cây vụ đông và 165 nghìn ha rau ở đồng bằng sông Hồng có nguy cơ ảnh hưởng cao.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.030 phương tiện, 7.812 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó còn 25 phương tiện, 245 lao động Bộ đội Biên phòng tỉnh chưa liên lạc được. Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong các trà lúa mùa, đã trồng được 45.479 ha cây màu vụ đông. Hầu hết hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy và xấp xỉ đạt cao trình tích nước, trong đó có hơn 100 hồ thủy lợi nhỏ đã xuống cấp cần đặc biệt quan tâm. Chiều 26-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh họp khẩn cấp, triển khai các biện pháp đối phó với bão số 8. Tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên cập nhật và nắm bắt diễn biến bão số 8, đồng thời nắm chắc số lượng tàu, thuyền của ngư dân đang đánh cá trên biển hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn. Tại Hà Tĩnh có 2.216 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với gần 9.000 ngư dân, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 47 chiếc với 329 ngư dân chủ yếu hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, còn lại là thuyền đánh bắt ven bờ. Đến chiều 26-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình kêu gọi được 3.488 tàu với 13.766 ngư dân vào tránh trú bão an toàn và còn 493 tàu với 3.376 ngư dân đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ đã nắm được thông tin của bão số 8 và tìm nơi tránh trú. Tỉnh Quảng Trị tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn. Tính đến ngày 26-10, gần 2.500 phương tiện tàu thuyền với hơn 6.300 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt hải sản tại các vùng biển gần bờ đã được thông báo thông tin về tình hình hướng đi của bão số 8. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kêu gọi 213 phương tiện tàu, thuyền với 1.294 lao động vào bờ trú ẩn an toàn, đồng thời huy động 320 cán bộ, chiến sĩ túc trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, ứng phó mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Đến chiều 26-10, hàng trăm tàu thuyền của tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện toàn tỉnh còn 16 tàu xa bờ, với 567 ngư dân đang hoạt động ở khu vực đảo Trường Sa và sáu tàu, với 26 ngư dân hoạt động gần bờ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì liên lạc với các tàu còn ở ngoài khơi, thường xuyên thông báo diễn biến cơn bão số 8, hướng dẫn các chủ tàu thuyền chủ động thoát khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 227 tàu thuyền và 1.452 lao động đang hành nghề trên vùng biển có nguy cơ gặp nguy hiểm. Hiện các tàu, thuyền đã ngừng khai thác đang di chuyển vào bờ để tránh trú. Chiều 26-10, tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn với các ngành, đơn vị vũ trang và địa phương trong tỉnh để chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 8. Đến ngày 26-10, tỉnh Bình Định có 7.756 tàu với 49.577 lao động hành nghề trên biển. Hầu hết số tàu thuyền này đều đã nhận được thông tin về bão số 8 và đang di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão và vào bờ neo đậu an toàn.
Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến ngày 26-10, đã thông báo và hướng dẫn cho 38.054 tàu với 192.360 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định đầu tư hơn 150 tỷ đồng để di chuyển 409 hộ đang sống ở vùng lũ ống, lũ quét, vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn. Theo đó, tỉnh sẽ di chuyển 409 hộ dân thuộc bảy xã phường của huyện Nà Hang, Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngày 26-10, được vận động, 14 hộ dân ở khu vực thôn Tà Ba, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bỏ làng lên núi Cà Tu vì lo sợ sạt lở núi do động đất gây ra đã trở về làng cũ. Các đoàn thể của địa phương đã giúp nhân dân thu dọn lều trại, tạo điều kiện để bà con trở về làng.
Ngày 26-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị họp với đại diện các tỉnh khu vực phía bắc bàn về công tác phòng, chống dịch bệnh và ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới. Bộ chỉ đạo các địa phương, ban ngành liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, rà soát lại lực lượng, quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu gia cầm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Để ứng phó kịp thời với cơn bão số 8, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Cục Cảnh sát biển; các quân khu: 2, 3, 4, 5, 7; Quân đoàn 1, 2, yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án ứng phó với mưa bão, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 26-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1763/CĐ-TTg về việc ứng phó với bão số 8, gửi các bộ, ban, ngành, các địa phương yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức phối hợp chặt chẽ, trực ban nghiêm túc; kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập; chủ động bố trí phương tiện, lực lượng; bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị phải nhanh chóng tổ chức neo đậu tàu thuyền, sơ tán lồng bè nuôi trồng thủy sản bảo đảm cho người và phương tiện khi bão đổ bộ vào bờ, kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè; kiểm tra rà soát các khu dân cư sống tại vùng ven biển, ven sông suối để chủ động có phương án sơ tán khi cần thiết. Đặc biệt, phải bảo đảm không còn tàu, thuyền nào hoạt động tại khu vực nguy hiểm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()