Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những hậu quả của dịch COVID-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành tài chính đã thực hiện các giải pháp hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% so với dự toán. Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu triển khai các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Đối với chi ngân NSNN, đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán.
Song song với đó, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công; tăng cường điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác tài chính…
Về nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024, ngành tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024 như: tiếp tục kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội; hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn hành dự toán thu được giao ở mức cao nhất; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn năm 2023 hơn 7.717 tỷ đồng, đạt 95,3% dự toán Trung ương giao, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa 2.600 tỷ đồng, vượt 24,2% dự toán Trung ương giao, bằng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 5.100 tỷ đồng, đạt 85% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất, giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023.
Đồng chí yêu cầu: Năm 2024, ngành tài chính tiếp tục triển khai kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, cơ quan Trung ương thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu tài chính – NSNN đặt ra; tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế NSNN; tăng cường công tác quản lý tài sản công, công tác thanh, kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; siết chặt tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết; kiểm soát bội chi NSNN, giảm nợ công, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế quốc gia. Cùng đó, theo dõi giá cả diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp để đáp ứng cung – cầu, đặc biệt về mặt hàng xăng, dầu; củng cố đồng bộ, an toàn tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; đẩy mạnh tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động hội nhập tài chính quốc tế, hợp tác tài chính với các nước, thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh…
TÂN AN - CÁT TIÊN
Ý kiến ()